09/06/2023 9:51 AM
Theo các giám đốc điều hành của BW Industrial, CPP Investments và Frasers, các nhà sản xuất đang nhanh chóng áp dụng chiến lược “Trung Quốc +1” để đa dạng hóa các địa điểm sản xuất và giảm rủi ro chuỗi cung ứng. Xu hướng này sẽ tạo ra một cú hích lớn cho thị trường bất động sản công nghiệp ở Ấn Độ và Việt Nam.

Phát biểu trong phiên cuối cùng tại Asia Logistics Forum Mingtiandi năm nay, Fion Ng, giám đốc điều hành của BW Industrial do ESR hậu thuẫn cho biết, mặc dù Việt Nam đã thu hút các nhà sản xuất từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan trong thập kỷ qua, nhưng xu hướng đó đang tăng tốc khi nó trở thành một giải pháp thay thế hàng đầu cho các công ty muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ.

“Chúng tôi chắc chắn đã thấy xu hướng này đạt được sức hút ngày càng tăng trong khoảng 5 năm qua và tại BW, chúng tôi đã trực tiếp quan sát thấy đà phát triển này khi chúng tôi phát triển rất nhanh ở Việt Nam kể từ khi thành lập vào năm 2018”, Ng cho biết.

“Xu hướng này đã bị cản trở trong hai năm qua do đại dịch Covid-19, nhưng trong hai tháng qua, chúng tôi đã nhận thấy lượng yêu cầu cho thuê của chúng tôi tăng đột biến và đã trở lại ngang mức trước khi Covid-19 bùng phát”.

Theo Hari Krishna V, giám đốc điều hành bộ phận bất động sản của CPP Investments, Ấn Độ cũng đang thu hút các nhà sản xuất toàn cầu thành lập cơ sở ở quốc gia này khi chính phủ đẩy mạnh chương trình cơ sở hạ tầng và đưa ra các ưu đãi tài chính.

Nhu cầu thuê bất động sản tăng cao

“Chúng tôi tin rằng quá trình phi toàn cầu hóa chắc chắn mang lại lợi ích cho các quốc gia, và ở Ấn Độ, chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu trong các lĩnh vực khác nhau, chẳng hạn như xe điện, điện tử, sản xuất, lĩnh vực ô tô,… Điều này đã được tăng cường hơn nữa bởi Chính phủ Ấn Độ đã cấp các ưu đãi tài chính khá lớn cho các nhà sản xuất chuyển đến quốc gia này”, Hari Krishna chia sẻ.

Krishna nói thêm rằng các nhà chức trách cũng đang làm việc để “tháo nút thắt cổ chai ở Ấn Độ trên quy mô lớn” thông qua các chương trình phát triển đường bộ nhằm cải thiện khả năng kết nối và giảm bớt tình trạng ách tắc giao thông, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Mumbai và Delhi.

Chong Chee Keong, tổng giám đốc bộ phận công nghiệp tại Frasers Property Việt Nam, cho biết những “ong chúa” của lĩnh vực sản xuất, như Foxconn của Đài Loan và Samsung của Hàn Quốc, có thể sẽ tiếp tục đa dạng hóa hoạt động của họ bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro, và đó là tin vui cho Việt Nam.

“Chúng tôi thấy rất nhiều thách thức ở Trung Quốc, ngay cả trung tâm công nghiệp của Thâm Quyến. Họ đang phải đối mặt với rất nhiều hạn chế về năng lượng và cũng đối mặt với nhiều vấn đề liên quan tới người lao động. Tôi không nói rằng họ sẽ đa dạng hóa hoặc chuyển toàn bộ sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng họ có thể đa dạng hóa một số dây chuyền sản xuất sản phẩm của mình tới quốc gia này”, ông Chong nói.

Bà Ng của BW Industrial cho biết công ty được ESR hậu thuẫn sẽ thúc đẩy sự phục hồi của hoạt động cho thuê bằng việc ra mắt 6 đến 8 dự án mới trong năm nay tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Thương mại điện tử thúc đẩy tăng trưởng

Trong khi cả Việt Nam và Ấn Độ đang được hưởng lợi từ sự thay đổi trong lựa chọn địa điểm sản xuất, thị trường tiêu dùng và lĩnh vực thương mại điện tử đang phát triển của họ cũng đang thúc đẩy nhu cầu về kho bãi.

Ông Chong cho biết Việt Nam có một thị trường khổng lồ cho hàng tiêu dùng nhanh và mua sắm trực tuyến, với việc những gã khổng lồ thương mại điện tử tại Đông Nam Á như Lazada đang mở rộng dấu về logistics chặng cuối.

“Thương mại điện tử chắc chắn là động lực chính cho không gian kho bãi ở Việt Nam”, bà Ng lặp lại, đồng thời lưu ý rằng Việt Nam có một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á.

Giá thuê nhà kho hiện đại ở một số tỉnh miền Bắc Việt Nam đã tăng 8,2% trong năm ngoái, cùng thời điểm hơn 700.000 m2 diện tích kho bãi mới gia nhập thị trường. Ở các tỉnh miền Nam, nơi lĩnh vực này phát triển hơn, giá thuê kho bãi tăng 1,2% khi 1,7 triệu m2 nhà kho mới được tung ra thị trường.

Tại Ấn Độ, ông Krishna cho biết thị trường thương mại điện tử của nước này đã phát triển với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 42% trong thập kỷ qua. Điều này cũng đã giúp thúc đẩy nhu cầu về không gian kho bãi tại Ấn Độ.

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Anh Nguyễn (Mingtiandi)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.