Nhà đầu tư đi tìm "vùng trũng" để đầu tư
Dưới tác động của Covid-19, một số chuyên gia bất động sản cho biết thị trường đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, những người này bình thường không đầu tư hay am hiểu về bất động sản nhưng nay lại đua nhau đi tìm mua.
"Khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19 khiến họ không biết đầu tư vào đâu cho an toàn và họ đi tìm mua bất động sản để trả lời cho câu hỏi tiền nên để ở đâu?", một chuyên gia cho biết.
Khung cảnh tấp nập nhà đầu tư đến xem đất ở một khu vực làng xã vùng ven Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, tác động của Covid-19 là rất nặng nề. Tuy nhiên, sau đó dịch bệnh lại trở thành chất xúc tác cho thị trường bất động sản bứt phá. Tỷ lệ hấp thụ đã hồi phục qua từng quý. Nếu quý 1 chỉ ở mức 14% thì sang quý 3 con số này là 50%.
Vị chuyên gia này cho biết, dù lực cầu rất mạnh nhưng hiện nay nguồn cung bất động sản rơi vào cảnh khan hiếm với nhiều lý do, trong đó có vấn đề pháp lý. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư đổ đi tìm điểm trũng đầu tư.
"Các nhà đầu tư có tiền không bao giờ ngồi yên cả mà phải tìm chỗ để đầu tư để sinh lợi. Có 2 cái sinh lời là mua chờ tăng giá; hai là khai thác, kinh doanh qua bất động sản", ông Đính cho biết.
Tuy nhiên theo ông Đính, khai thác kinh doanh qua bất động sản trong thời Covid-19 kém hiệu quả. Nhiều mặt bằng cho thuê bị trả. Khu bờ Hồ, Hoàn Kiếm rất nhiều cửa hàng bị đóng cửa, trả mặt bằng vì khách du lịch quốc tế vẫn chưa được vào.
Trong khi đó, các loại đất đai trong làng trong xã, như khu vực Hoài Đức, Thạch Thất, Sơn Tây… chỉ tuần trước tuần sau thôi giá đã được chào khác đi, có lúc tăng dựng đứng. Bất động sản cho thuê, khó khăn, nhà đầu tư muốn tìm kiếm giá trị thật nhanh. Cùng với đó là sự thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương sẽ dễ dẫn đến hiện tượng một số khu vực sốt nóng như vừa qua, ông Đính nhận định.
"Đất vàng" vẫn còn chật vật
Trong khi bất động sản khu vực vùng ven nhiều nơi sốt nóng thì trái lại, các khu vực vốn được coi là "đất vàng" vẫn tiếp tục chật vật vì làn sóng trả mặt bằng.
Theo ghi nhận của Savills, mặt bằng nhà phố đối mặt với thách thức lớn trong những tháng đầu năm vừa qua. Số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên, tốc độ lấp đầy lại rất chậm.
Kể cả các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại quận 1 cũng khó cho thuê. Bà Võ Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam lý giải, khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan vào đà hồi phục của thị trường và không có ý định giảm giá chào thuê.
"Trong khi đó, các khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê vẫn quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn", bà Trang cho biết.
Tại Hà Nội, một số nơi được coi là "đất vàng", "đất kim cương" cũng rơi vào cảnh chật vật. Vốn là nơi kinh doanh sầm uất của Thủ đô nhưng dưới tác động của đại dịch Covid-19, một loạt mặt bằng ở khu phố thuộc quận Hoàn Kiếm ì ạch kiếm khách thuê.
Theo thống kê của CBRE, giá chào thuê mặt bằng ở tầng trệt và tầng một tại khu vực trung tâm ghi nhận giảm 0,13% theo quý, đạt 98,62 USD/m2/tháng. Mặc dù có lợi thế về vị trí và nguồn cung hạn chế, khu vực trung tâm chứng kiến mức tăng mạnh về tỷ lệ trống, ghi nhận ở mức 11,05%, tăng 10,33 điểm phần trăm so với quý trước và 9,71 điểm phần trăm theo năm.
"Đây là quý đầu tiên trong vòng 8 năm trở lại đây các trung tâm thương mại tại khu Trung tâm có tỷ lệ trống cao như vậy. Tuy vậy, giá thuê tầng trệt hầu như không đổi, do diện tích trống chủ yếu nằm tại các tầng trên của trung tâm thương mại", CBRE cho biết.
Theo chuyên gia CBRE, hầu hết khách thuê đều gặp phải những thách thức trong thời gian này. Sau nhiều tháng dịch Covid 19 bùng phát tại Hà Nội, một loạt cửa hàng trên các tuyến phố chính vẫn tiếp tục bị bỏ trống.
-
Những rào cản khiến khối ngoại “chùn tay” khi M&A bất động sản
CafeLand - Mặc dù được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, đang hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại, nhưng hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) dự án vẫn còn nhiều rào cản khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài e dè khi mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam.