Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), giá nhà ở của 18 nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) liên tục giảm từ quý IV/2013 cho đến quý I/2014. Tuy nhiên, trái ngược với thị trường khu vực, thị trường nhà ở Đức lại tăng 1% trong quý I/2014, đóng góp vào mức tăng trưởng 5% hàng năm trong vòng 2 năm trở lại đây. Đặc biệt, tại 3 thành phố lớn nhất nước Đức là Munich, Hamburg và Berlin, nhu cầu sở hữu nhà ở ngày một gia tăng. Bộ phận lớn tầng lớp trung lưu và nhà đầu tư tận dụng lãi suất cho vay thấp, đã đẩy mạnh mua vào bất động sản. Điều này khiến giá chào bán chung cư tại Berlin tăng với tốc độ nhanh gấp đôi so với giá thuê trong tháng 6/2014, với khoảng cách 15,6 điểm so với 7 điểm, theo số liệu của Công ty Môi giới Immobilien Scout GmbH.
Đây là một thực tế khác xa so với truyền thống sở hữu bất động sản ở Đức, khi từ lâu, người dân Đức vẫn có thói quen thuê nhà hơn mua nhà. Cụ thể, theo Eurostat, có khoảng 50% người dân Đức đang sinh sống trong chính căn nhà của mình, thấp hơn so với mức sở hữu trung bình 71% ở châu Âu và 65% ở Hoa Kỳ. Ở 2 thành phố lớn là Berlin và Frankfurt, tỷ lệ sở hữu nhà ở thậm chí chỉ đạt lần lượt 16% và 21% , ít hơn hẳn so với tỷ lệ 50% tại London.
“Lối suy nghĩ phổ biến ‘tài sản bất động sản chính là tiền phụ cấp của mình’ ở Anh và Mỹ chưa lan rộng trong nước Đức”, Andreas Schulten, Giám đốc Công ty Phân tích thị trường Bulwiengesa AG nói. Theo ông Andreas, người Đức vẫn có thói quen cất giữ tiền tiết kiệm vào trái phiếu chính phủ hoặc là các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ. Nguyên nhân vì Đức là một trong những quốc gia phát triển đánh thuế bất động sản cao nhất, trung bình từ 3 - 4%. Mặc dù với lãi suất ưu đãi, gần như bằng không, nhưng người Đức khó có khả năng kiếm lời từ việc sở hữu nhà ở về lâu dài. Đó là lý do vì sao khách hàng thực hiện các giao dịch bất động sản hiện nay ở Đức đa số là người ngoại quốc, đến từ Anh, Mỹ, Pháp và Nga.
Tuy nhiên, chứng kiến thực trạng tốc độ tăng giá nhà ở lên đến 10% hàng năm hiện nay ở một số thành phố lớn khiến người Đức cảm lo sợ, bởi nó là yếu tố chính trực tiếp đẩy giá thuê tăng. Đặc biệt, ở Thủ đô Berlin, giá thuê đang gia tăng chóng mặt với khoảng cách gần gấp đôi so với tỷ lệ trung bình toàn quốc. Mặc dù hiện tại, Munich vẫn đang dẫn đầu về chi phí thuê nhà trên cả nước, song theo chuyên gia Nikolas Jeissing ở Tổ chức Tư vấn bất động sản Engel & Völkers, trong tương lai, Berlin sẽ trở nên đắt đỏ hơn Munich.
“Sau sự sụp đổ của bức tường Berlin, thị trường nhà ở Đức vẫn đang bình ổn với giá thuê nhà chỉ chiếm khoảng 25% thu nhập. Ngày nay, con số này đã tăng lên đến 50% hoặc thậm chí bằng 2/3 thu nhập trung bình người dân”, Jörg Langrock, một chuyên gia phân tích thị trường ở Berlin nói.
Giá thuê tăng cũng đồng nghĩa với việc người dân Đức đang thiên về giải pháp lựa chọn mua nhà hơn là đi thuê. Điều đó lý giải vì sao giá chào bán chung cư đang tăng nhanh hơn gấp đôi so với giá thuê. Song cơn sốt tăng giá nhà ở tại đây chưa thể so sánh với thị trường London, khi người Đức có khuynh hướng thận trọng hơn trong việc mua bán bất động sản. Họ coi đó là tài sản sở hữu lâu dài về sau. Không giống như người Anh, dân Đức vẫn đang coi trọng truyền thống đi thuê nhà, đồng thời, quyền lợi của người thuê nhà ở Đức vẫn mạnh hơn quyền lợi của người mua.
“Tôi hy vọng, quan điểm coi bất động sản là một dịch vụ xã hội hơn là một tài sản để sở hữu sẽ ăn sâu vào tiềm thức của người dân Berlin. Chúng tôi sẽ làm mọi cách tốt nhất để thành phố chúng tôi không đi theo con đường đi của Paris hay London”, Reiner Wild, Chủ tịch Hiệp hội người thuê nhà ở Berlin nói.
-
Dân châu Âu chật vật với tiền nhà
Việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát đã gây áp lực đặc biệt lên thị trường bất động sản tại châu Âu.
-
Nhà ở tại Anh đắt đỏ nhưng “không đáng đồng tiền”
Theo một nghiên cứu được công bố hôm thứ Hai (25/3), nhà ở tại Anh đắt đỏ nhưng “không đáng đồng tiền” nhất trong số các quốc gia tiên tiến.
-
Giá bất động sản thương mại châu Âu chạm đáy, đã đến lúc mua vào
Phá sản, nợ xấu và giá trị sụt giảm - những biểu tượng khủng hoảng của thị trường bất động sản châu Âu – đã kéo dài từ năm 2023 đến nay và vẫn chưa có hồi kết.