Là người từng đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư trực tiếp nước ngoài, ông Thắng cho rằng, thị trường BĐS du lịch thời gian tới sẽ có giao dịch nhưng chưa thể sôi động. Nguyên nhân chính là do các DN đã đánh giá sai sự phát triển của thị trường và đặc biệt là kinh doanh theo kiểu bầy đàn, đổ xô đi xin đất, lập dự án khi thấy một số dự án thành công trong khi không có năng lực về tài chính, chuyên môn. “Thậm chí có NĐT trong nước còn không nắm rõ điều kiện để phát triển một dự án BĐS du lịch thành công cần phải có những yếu tố gì”, ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, quản lý nhà nước về BĐS du lịch còn thiếu kinh nghiệm, dẫn đến việc nhiều vị trí đắc địa được cấp cho NĐT, DN không có năng lực để triển khai thực hiện. Việc cấp đất cũng manh mún, không có quy hoạch, phân lô, chia mảnh, dẫn đến tình trạng cát cứ. Khi chưa triển khai được thì bỏ hoang, lãng phí tài nguyên đất, chỗ triển khai được thì ảnh hưởng đến quyền lợi của cộng đồng.
“Với việc chia mảnh, phân lô, chính quyền địa phương cũng không dễ quản lý việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường và xây dựng được một hệ thống đồng bộ về bảo vệ môi trường cho toàn vùng, trong khi các chủ đầu tư chưa thật sự quan tâm tới tác động của dự án đối với môi trường, xã hội”, ông Thắng phản ánh.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Ngọc Quang, Tổng giám đốc Công ty Vinaconex - ITC cũng cho rằng, phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng tại Việt Nam vẫn chưa phát triển theo đúng tiềm năng vốn có của nó. Lý do là hoạt động đầu tư còn thiếu quy hoạch tổng thể quốc gia, mang tính địa phương, phong trào; chính sách đầu tư BĐS du lịch, đặc biệt là đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng ven biển chưa rõ ràng; các tiêu chí về dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng, tiêu chí về lựa chọn NĐT thực hiện dự án vẫn còn chưa được xây dựng cụ thể; thiếu các NĐT có đủ năng lực, đầu tư dài hạn; thiếu đội ngũ công chức nhà nước chuyên nghiệp, tận tâm…
Đánh giá các giải pháp phát triển BĐS du lịch nghỉ dưỡng hiện nay còn rất chung chung, ông Quang kiến nghị, khi quy hoạch, cần xác định rõ những tiêu chí về chất lượng, đẳng cấp, loại hình phù hợp với đặc điểm, đặc trưng văn hóa vùng miền, nhất là phải định hướng phát triển, đảm bảo sự hài hòa giữa các khu du lịch nghỉ dưỡng với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội địa phương.
“Các địa phương cần đưa ra gói chính sách, trong đó, quy định cụ thể về thủ tục đầu tư, các bước tiến hành dự án, chi phí mà NĐT phải chuẩn bị, trách nhiệm cụ thể của NĐT và chính quyền địa phương, có đầu mối thực hiện một cách minh bạch và tận tâm…”, ông Quang nói và nhấn mạnh, để tham gia đầu tư thành công, các NĐT cũng phải có năng lực thực sự, chuyên nghiệp, có tầm nhìn xa và xác định rõ ý thức trách nhiệm với cộng đồng.
Là một địa phương có nhiều dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang được triển khai, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng kiến nghị, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm đơn giản hóa tối đa quy trình cấp phép đầu tư xây dựng và các thủ tục đầu tư. “Một trong những tồn tại đối với các dự án đầu tư là việc giải quyết các thủ tục cấp phép của dự án kéo dài quá lâu, dẫn đến tình trạng đọng vốn, không khai thác tốt thời cơ kinh doanh do thiếu tính chủ động trong đầu tư và làm hạn chế hiệu quả đầu tư”, ông Thành phản ánh.
Cho rằng trong bối cảnh thị trường BĐS khó khăn như hiện nay, không phải dự án nào cũng có thể triển khai suôn sẻ với nhiều lý do khác nhau, ông Thành kiến nghị, cần cho phép chuyển nhượng dự án với quy trình đơn giản, pháp lý rõ ràng, bảo đảm quyền lợi cho bên mua. Điều này sẽ giúp nhanh chóng tháo ngòi nổ cho các nợ xấu của ngân hàng cho vay dự án BĐS du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời, khôi phục lại lòng tin của thị trường và giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng.