Thị trường nhà đất đang hạ nhiệt, thậm chí có chiều hướng chững lại trong bối cảnh kinh tế suy thoái, lãi suất tăng cùng các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đầu cơ của chính phủ.

Theo báo cáo của Batdongsan.com.vn, các sản phẩm bất động sản bán trong tháng 05/2022 ghi nhận xu hướng gia tăng nguồn cung nhưng giảm nhu cầu tìm kiếm so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng tin rao bán toàn quốc tăng 14%, trong khi mức độ quan tâm giảm 11%.

Nhận định về thị trường bất động sản miền Bắc, ông Lê Đình Hảo, Quản lý kinh doanh cấp cao Batdongsan.com.vn cho biết: “Trong tháng 5 vừa qua, lượng quan tâm và giao dịch mua bán loại hình đất có dấu hiệu chững lại, chỉ xuất hiện sóng nhẹ ở khu vực đường vành đai hoặc một số khu vực có dự án quy hoạch.”

Ở phía Nam, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam cho biết: “Dòng tiền đã có dấu hiệu quay trở lại khu vực trung tâm, phân khúc cho thuê và các phân khúc phục vụ cho sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tốt trong bối cảnh tín dụng vào thị trường bất động sản co hẹp lại và chỉ tập trung cho sản phẩm nhà ở”.

Kết quả báo cáo này phần nào cho thấy bức tranh chung của thị trường bất động sản trong nửa đầu, thậm chí cả nửa cuối năm nay.

Theo nhận định của Thứ trưởng Lê Quang Hùng tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Xây dựng diễn ra vào chiều ngày 13/06 tại Hà Nội, thị trường đã hạ nhiệt tại nhiều nơi so với cùng kỳ năm 2021 nhưng giá vẫn ở mức cao.

Trên thực tế, giá bất động sản đang chững lại và tính thanh khoản của toàn toàn thị trường đang giảm dần. Nhiều khu vực từng là điểm nóng về bất động sản của cả nước trong năm 2020 – 2021 đang chứng kiến giá cả đi ngang hoặc xuống thấp.

Tại các vùng ven Hà Nội, thị trường nhà đất trở nên ảm đạm từ cuối tháng 03/2022, khi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội yêu cầu cơ quan liên quan tạm dừng việc giải quyết thủ tục về chia tách thửa đối với đất nông nghiệp, thửa đất gồm đất ở và đất nông nghiệp, thửa đất phi nông nghiệp không có đất ở…

Thị trường bắt đầu hạ nhiệt thì thanh khoản ngày càng khó hơn, đặc biệt là với đất nền, loại hình có yếu tố đầu cơ cao. Nhiều nhà đầu tư phải “xả hàng” để cắt lỗ. Trái lại, phân khúc nhà ở thì tạm thời vẫn ổn định. Bên cạnh đó, một thực trạng nữa đang diễn ra là tình trạng “lãi trên giấy”. Giá nhà bị đẩy cao quá giá trị thực nhưng không thể chuyển nhượng.

Đầu năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục ban hành một số chính sách kiểm soát nguồn vốn chảy vào bất động sản. Động thái điều chỉnh này giúp thị trường lành mạnh hơn và hạn chế hoạt động đầu cơ. Tuy nhiên theo một số chuyên gia, những người có nhu cầu ở thực và doanh nghiệp phát triển dự án sẽ khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, kéo theo nguồn cung đã ít do dịch bệnh sẽ càng ít hơn và người mua không thể theo kịp “giá ảo” sẽ rời khỏi thị trường.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho biết: “Hiện nay, có 2 nhóm khách hàng chính trên thị trường. Một là khách hàng mua để ở và thứ hai là khách hàng mua để đầu tư thay vì họ gửi tiền vào ngân hàng, chứng khoán - những kênh đang có chiều hướng bất ổn”.

Ông Khương nhận định: “Từ bây giờ cho đến cuối năm, thị trường sẽ không có gì thay đổi: Nguồn cung thiếu, giá bán duy trì mức cao, tính thanh khoản chậm”.

Nguyên nhân của tình trạng này bao gồm quỹ đất để phát triển dự án mới còn hạn chế, các dự án bị ách tắc do pháp lý và nhà đầu tư đẩy lợi nhuận kỳ vọng lên quá cao trong khi khả năng chi trả của người dân bị hạn chế sau đại dịch.

Trong bối cảnh nguồn cung càng ngày càng ít đi, những chủ đầu tư nào phát triển được dự án chứng tỏ tiềm lực mạnh, dự án sạch, nguồn vốn ổn định sẽ thu hút được nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định tham gia.

Mặt khác, do thị trường bất động sản ảnh hưởng đến rất nhiều các ngành nghề, “giấc ngủ đông” tạm thời này có thể ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế chung.

Chủ đề: Bất động sản 2022,
Lam Vy (Tổng hợp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.