CafeLand - Năm 2019 được giới kinh doanh nhìn nhận là một năm không mấy lạc quan với thị trường khu vực miền Trung, đặc biệt là tại Đà Nẵng. Hơn 9 tháng qua, mảng địa ốc của thành phố này rơi vào trạng thái đóng băng, đến mức nhiều nhà đầu tư thu lỗ và phải bán tháo.

Thị trường đất nền, vốn định vị thế mạnh của Đà Nẵng, rơi trạng thái khủng hoảng nghiêm trọng. Tiếp đó, mảng bất động sản nghỉ dưỡng, cụ thể là mô hình Condotel lâm cảnh “vỡ trận” càng khiến địa ốc Đà Nẵng thêm phần ảm đạm hơn. Liệu đây có phải thực trạng xấu dẫn đến một tương lai u ám cho giới kinh doanh?

Thị trường đất nền khủng hoảng, bất động sản nghỉ dưỡng "vỡ trận" ở Đà Nẵng

Ngay từ đầu năm 2019, các nhà kinh doanh địa ốc Đà Nẵng đã thừa nhận, thị trường bất động sản khu vực đang trong thế “bong bóng” khó kiểm soát nổi. Thị trường lúc đó sôi động dữ dội với hàng loạt dự án mở bán thành công, và sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư ở 2 đầu Hà Nội và TP HCM đổ về. Cộng hưởng theo, là “quy trình làm giá” của nhiều đội ngũ môi giới, trong bối cảnh thông tin thị trường biến động vì những vụ án đất tại chỗ, đã đẩy giá đất Đà Nẵng ở nhiều nơi tăng vọt, có chỗ tăng gấp cả chục lần giá đất sẵn có. Vùng nông thôn còn lại của Đà Nẵng đã phải chứng kiến 1 đợt “tăng đất phi mã”, buộc chính quyền địa phương phải vào cuộc chấn chỉnh, ra các thông báo xác minh thông tin để tránh hoang mang.

Được coi là hưởng lợi biến động, thị trường bất động sản Đà Nẵng đã bước qua năm 2019 với một trạng thái “ngất ngưởng”. Anh Vũ Hồng Tâm, Giám đốc sàn giao dịch Bất động sản VIP (Hải Châu, Đà Nẵng) nhìn nhận, cơn sốt 2018 đã tạo nên một thị trường đầy giá ảo, đa số vụ việc giao dịch đều có “giá khủng” hơn thực tế nhiều lần. Lần đầu tiên sau gần 20 năm, giá đất nền Đà Nẵng “vuột khỏi tầm tay” của người dân bản địa, vượt xa năng lực thu nhập và tích lũy của cư dân tại chỗ.

Anh Tâm nhấn mạnh, đây là “sai lầm chết người” của giới đầu cơ kinh doanh, khi đẩy chính người dân vào thế không dám nghĩ đến cơ hội sở hữu đất tại nơi mình sống.

“Nếu nói đến các bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, giá có thể hàng triệu đô, nhưng đó là phần đầu tư lớn để cho những cá nhân hay tổ chức bất động sản quan tâm. Còn đất nền tại chỗ, ưu tiên số một vẫn phải là người dân bản địa giao dịch được, đáp ứng nhu cầu an cư của họ. Nếu thị trường đổi qua giá ảo vượt khả năng của họ, thì nguy cơ chết lâm sàng là khó tránh khỏi”, anh Tâm nhận xét như vậy.


Thực tế năm 2019, các mảng đất nền Đà Nẵng, từ nội thị đến ngoại ô, đều dao động mạnh vào đầu năm với giá tăng gấp 4 – 10 lần trước đó. Từ tháng 4/2019, không khí ảm đạm bắt đầu hiện hữu, việc giao dịch suy thoái, các nhà đầu tư dần lui khỏi thị trường. Những nhà đầu tư “giữ đất” đều lâm vào cảnh khó khăn. Một số khu vực, giá đất có hướng giảm. Đến tháng 7, hầu như giao dịch đất nền đóng băng. Tháng 11/2019, với vụ việc dự án Condotel Cocobay của tập đoàn Thành Đô mất khả năng thanh toán theo hợp đồng, thị trường gần như “lạnh ngắt”. Theo các nhà môi giới, tình hình này sẽ kéo dài đến mùa hè 2020, may ra mới hồi phục.

Cuối quý II/2020, thị trường bất động sản Đà Nẵng mới có khả năng hồi phục

Mặc dù bối cảnh bất động sản Đà Nẵng 2019 đầy tiêu cực, nhưng qua đánh giá của giới đầu tư, thị trường địa ốc ở đô thị này vẫn đầy tiềm năng. Ông Phan T.N., một chuyên gia đầu tư bất động sản khu vực nhận định “So với các thị trường bất động sản “cùng đẳng cấp” là đô thị trực thuộc Trung ương, giá nhà đất ở Đà Nẵng vẫn là thấp nhất và có chỉ số giao dịch ít nhất. Giá đất cho đến nay của Đà Nẵng chưa vượt qua những đô thị vùng ven Hà Nội như Ninh Bình, trong khi vị thế Đà Nẵng hơn nhiều lần.”

Giới chuyên môn tin tưởng, Đà Nẵng vẫn có khả năng tăng giá đất lên từ 20 – 40% nữa, trong một thời gian tới, khi hội đủ các điều kiện quy hoạch đồng bộ và tăng các giá trị đầu tư địa phương lên đúng tầm. Cho nên đầu tư đất ở Đà Nẵng về chiến lược dài hơi vẫn là lợi thế không nên bỏ qua.

Nhưng, trong chặn ngắn phía trước, cụ thể là năm 2020, thị trường địa ốc Đà Nẵng vẫn đầy bất trắc. Các giao dịch cần chú ý hơn về mặt pháp lý của các dự án, rút kinh nghiệm những giao dịch bất ổn mà Đà Nẵng đã đối mặt thời gian qua. Thị trường đất nền cơ bản vẫn sẽ đóng băng cho đến khi có khung giá đất mới được địa phương điều chỉnh. Các mảng thị phần căn hộ và bất động sản nghỉ dưỡng cũng sẽ chậm giao dịch để chờ đợi động thái điều chỉnh từ các bộ ngành Trung ương, trong đó có Bộ Xây dựng với các tiêu chuẩn mới về kiến trúc và phân chia dòng sản phẩm.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.