CafeLand – Một loạt “ông lớn” công nghệ của thế giới như Apple, LG, Panasonic… đang có kế hoạch lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho chuỗi cung ứng, sản xuất hậu covid – 19. Mở cửa và có những chính sách hấp dẫn đón được làn sóng đầu tư này sẽ giúp bất động sản công nghiệp Việt Nam bùng nổ trong thời gian tới.

Bộ Công Thương trong báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2020, đã cho biết, một loạt tên tuổi lớn của ngành công nghệ trên thế giới đang rục rịch kế hoạch để chuyển chuỗi sản xuất, đầu tư sang Việt Nam. Một trong những cái tên nổi bật được nhắc đến như: LG, Panasonic, Foxconn - nhà cung ứng linh kiện cho Apple...

Đây là một tín hiệu đang mừng cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực bất động sản công nghiệp nói riêng. Việc trở thành điểm sáng của thế giới trong cuộc chống dịch bệnh Covid – 19 đã giúp Việt Nam tạo dựng được hình ảnh của một điểm đến an toàn cho các tập đoàn kinh tế giai đoạn hậu Covid.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (Hiệp định EVIPA). Nhiều chuyên gia nhận định, Hiệp định EVIPA sẽ là cú hích mạnh để thu hút nhà đầu tư châu Âu vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Trong một báo cáo gần đây của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, cũng đã đưa ra nhiều nhận định tươi sáng cho lĩnh vực bất động sản công nghiệp Việt Nam trong thời gian thới.

Cụ thể, VNDirect cho rằng, tác động mạnh mẽ của dịch bệnh Covid – 19 đã ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, xuất hiện một làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất rời khỏi Trung Quốc – nơi khởi phát của dịch bệnh. Việt Nam với vị trí gần Trung Quốc có lực lượng lao động trẻ, chi phí thấp và hiệu ứng từ việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ là một điểm đến nhiều tiềm năng.

Báo cáo thị trường bất động sản quý 2/2020 của JLL cho biết, mặc dù Covid-19 gây ra những khó khăn tạm thời cho các kế hoạch sắp tới của doanh nghiệp. Tuy nhiên đơn vị này đánh giá, bất động sản công nghiệp ở Việt Nam vẫn rất thu hút các nhà đầu tư.

Quý 2 vừa qua, giá thuê đất trung bình đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 106 USD/m2/chu kỳ thuê. Ngược lại, giá thuê nhà xưởng xây sẵn vẫn ổn định ở mức 3.5-5.0 USD/m2/tháng, do hợp đồng chỉ ngắn hặn 3-5 năm và khách thuê cũng dễ chịu tác động của đại dịch.

JLL dự báo, việc đàm phán cho thuê và các yêu cầu mới sẽ còn tiếp tục đình trệ cho đến hết năm 2020. Tuy nhiên, thị trường dự kiến sẽ nhanh chóng hồi phục ngay sau khi tình hình được kiểm soát. Với thành công của công tác phòng chống dịch Covid-19, nền tảng phát triển công nghiệp mạnh cùng với xu hướng tìm nguồn cung ứng đa dạng đang diễn ra hứa hẹn sẽ giúp đưa Việt Nam lên một tầm cao mới để cạnh tranh với các nước khác.

Tại Diễn đàn bất động sản Công nghiệp Việt Nam 2020 vừa được tổ chức giữa tháng 6/2020, ông Nguyễn Mạnh Hà – Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp là điểm sáng của thị trường nửa đầu năm 2020.

Theo ông Hà, sự tăng trưởng tốt của bất động sản công nghiệp là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp (KCN) và kinh tế trọng điểm; sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thế mạnh về lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp (KCN) được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 97.800ha, trong đó có 260 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 68.700ha, và 75 KCN đang xây dựng với tổng diện tích khoảng 29.200ha. Tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động đạt khoảng 75,7%.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.