01/11/2020 10:40 AM
CafeLand - Sau làn sóng đầu tiên năm 1996, bất động sản công nghiệp đón làn sóng thứ hai vào năm 2008. Năm nay, phân khúc này đang đón làn sóng mới khi những con số trong đồ thị tăng trưởng đi lên.

Thông tin trên được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp - Đón sóng đầu tư mới được tổ chức gần đây.

Làn sóng mới bùng lên mạnh mẽ

Theo ông Hoàng, 32 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư có hiệu lực vào năm 1988, Việt Nam đón ba làn sóng đầu tư. Làn sóng đầu tiên diễn ra năm 1996. Đến năm 2008, Việt Nam một lần nữa đón làn sóng thứ hai đầu tư vào các khu công nghiệp khá mạnh mẽ.

“Năm nay đang đón làn sóng mới, những con số trong đồ thị tăng trưởng đi lên”, ông Hoàng nói.

Theo ông Hoàng, không nên dùng từ chuyển dịch trong bối cảnh hiện tại vì việc tái cơ cấu của các nhà đầu tư đã có khoảng 6 năm nay. Vừa qua có xung đột thương mại giữa các nền kinh tế lớn (không chỉ Mỹ và Trung Quốc), cộng với Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng nên làn sóng này càng bùng lên mạnh mẽ.

Đặc điểm của làn sóng đầu tư bất động sản công nghiệp mới bắt nguồn từ sự dịch chuyển sản xuất. Quá trình này không quá phụ thuộc vào một đối tác nào. Trên hết, mục tiêu của khách thuê muốn đa dạng hóa thị trường, đa dạng chuỗi cung ứng.

“Qua trao đổi với những đối tác nước ngoài, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang được quan tâm rất lớn. Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều nhà đầu tư rất muốn sang Việt Nam nhưng chưa thực hiện được”, ông Hoàng nói.

Chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam

Đại diện một doanh nghiệp quen thuộc với mảng bất động sản công nghiệp, ông C.K Tong, Tổng giám đốc Công ty BW Industrial, cho biết thời gian gần đây doanh nghiệp nhận được những yêu cầu thuê đất, nhà xưởng, nhà kho từ những doanh nghiệp có nguồn gốc từ châu Âu. Nhiều doanh nghiệp trong số đó đã có nhà xưởng đặt tại Trung Quốc.

Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm, với các nhà đầu tư ngoài, việc chọn địa điểm và loại hình để đầu tư của các nhà đầu tư đang có những yêu cầu rất cao, như khả năng tiếp cận thị trường, khả năng tiếp cận lao động và đặc biệt là các dịch vụ về điện nước, giao thông. Ngoài ra còn có vấn đề về hệ thống mạng lưới cung ứng cũng được các nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu nhiều hơn.

Làm gì để đón sóng?

Đứng trước cơ hội như vậy, Việt Nam cần làm làm gì để đón sóng? Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đặt câu hỏi và chia sẻ thêm rằng, Việt Nam có thế mạnh khi tiệm cận 100 triệu dân, nguồn lao động trẻ dồi dào, nhưng để thuận lợi đón sóng thì cần phải nâng cấp về chất lượng chuyên môn. Đây đang là điểm yếu của Việt Nam.

Bên cạnh đó cần nâng cấp ngành công nghiệp phụ trợ. Các nước khác như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ vẫn có thế mạnh về công nghiệp phụ trợ, theo ông Hoàng.

Soi vào Việt Nam, có 3 cách để doanh nghiệp lớn có thể cạnh tranh được. Thứ nhất là doanh nghiệp phải tự lớn. Thứ 2 là Việt Nam mua vào những doanh nghiệp có chuỗi sẵn. Thứ 3 là đầu tư ra nước ngoài, mua lại các doanh nghiệp nước ngoài.

Đồng tình với ông Hoàng, Giám đốc Kinh doanh và Marketing, Công ty TNHH Quản lý Deep C, ông Koen Soenens nhận định, Việt Nam đang là một biểu tượng phát triển mạnh mẽ.

Song hiện nay, việc thu hút đầu tư nước ngoài vẫn gặp một vài nút thắt liên quan đến cơ sở hạ tầng và chi phí của logistics. Thứ hai là nguồn cung lao động và hiệu suất lao động tại Việt Nam. Kẹt xe khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết.

Liên quan đến vấn đề chất lượng nguồn lao động, ông Koen Soenens cho biết, tại Việt Nam, mức lương tháng trung bình của công nhân thấp hơn so với các nước khác, nhưng hiệu suất lao động vẫn còn thấp. Điều này cần phải cải thiện sớm trong thời gian tới.

Ba xu hướng đầu tư từ 2020 trở đi

Xu hướng đầu tiên là mở rộng sản xuất của các khách thuê hiện hữu thông qua việc tìm kiếm nguồn cung đất mở rộng tại các khu vực mới nổi. Xu hướng thứ 2 là chủ đầu tư và nhà phát triển nước ngoài trong lĩnh vực kho vận mới sẽ gia nhập thị trường Việt Nam. Nhu cầu phần lớn được dẫn dắt bởi thương mại điện tử. Xu hướng thứ 3 là chủ đầu tư và nhà phát triển sẽ tích cực thu mua các dự án bất động sản công nghiệp hiện hữu.

Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc Bộ phận Tư vấn kinh doanh văn phòng và bất động sản công nghiệp CBRE Việt Nam

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.