Thị trường châu Á – Thái Bình Dương được tiếp thêm động lực từ nguồn vốn ngày càng tăng của các quỹ đầu tư để đa dạng danh mục tài sản và tận dụng các cơ hội tạo thu nhập hấp dẫn tại một khu vực giàu tiềm năng phát triển.
Bất động sản công nghiệp hấp dẫn nhất
Yếu tố thúc đẩy số lượng giao dịch bất động sản ở châu Á - Thái Bình Dương trong 2 năm qua là bất động sản công nghiệp, bao gồm bến bãi, hậu cần, kho vận và cơ sở sản xuất. Nhu cầu đầu tư vào bất động sản công nghiệp trên khắp khu vực đã tăng lên đáng kể từ khi đại dịch bùng phát, đặc biệt là trung tâm dữ liệu và hậu cần.
Sức hấp dẫn lâu dài của các bất động sản công nghiệp là điều dễ hiểu, nếu xét đến sự không chắc chắn về hiệu suất kinh doanh trong bối cảnh hiện nay. Bất động sản công nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong cơ sở hạ tầng của nền kinh tế toàn cầu, mang đến cho các nhà đầu tư khả năng “phòng hộ”, thu nhập cho thuê hấp dẫn và sự tăng giá vốn mà các loại tài sản khác đang khó có được. Kết hợp điều này với tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức hàng đầu thế giới của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, sự mở rộng của tầng lớp người tiêu dùng, nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và ngành thương mại điện tử đang bùng nổ, thì các khoản đầu tư vào bất động sản công nghiệp trong khu vực trở nên vô cùng hấp dẫn.
Tuy nhiên, về dài hạn, nhà đầu tư cần giảm thiểu rủi ro khi tỷ suất lợi nhuận và lợi suất cho thuê giảm trong các lĩnh vực như hậu cần và trung tâm dữ liệu.
Ba xu hướng đầu tư chính
Các nhà đầu tư đang ngày càng sáng tạo hơn trong phương thức đầu tư, để đối phó với áp lực định giá bất động sản ngày càng tăng và một số loại hình bất động sản bị đóng băng do bối cảnh đại dịch và nền kinh tế (như văn phòng, khách sạn).
Ba xu hướng dưới đây đang được các nhà đầu tư quan tâm, do có thể góp phần mang lại các giao dịch chất lượng cao trong ngắn hạn và nâng cao hiệu suất trong dài hạn.
Thứ nhất, tìm kiếm cơ hội mới và thị trường mới. Các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á như Việt Nam và Indonesia đang nằm trong tầm ngắm của các nhà đầu tư. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng gia tăng ở các thành phố cấp 2 và 3 trong khu vực cũng thu hút sự quan tâm ngày càng lớn. Về loại hình, các bất động sản chuyên biệt như khoa học đời sống (phòng nghiên cứu sản phẩm, trung tâm y tế…) cũng đang là một thỏi nam châm mới.
Thứ hai, hình thức đầu tư linh hoạt và đa dạng. Trong những năm gần đây, đầu tư trực tiếp và chung vốn đầu tư trực tiếp đang ngày càng phổ biến. Mối quan hệ giữa nhà phát triển, đơn vị điều hành và các nhà quản lý trực tiếp một bất động sản đang trở nên ngày càng đa dạng và gắn bó chặt chẽ. Trong đó, đơn vị điều hành có thể góp vốn cùng nhà phát triển trong một dự án bất động sản, thay vì chỉ giữ vai trò điều hành như trước đây.
Thứ ba, công nghệ giữ vai trò ngày càng lớn. Công nghệ đang mở ra cánh cửa mới cho các nhà phát triển bất động sản để cung cấp giá trị tốt hơn cho khách hàng theo những cách trước đây chưa từng có. Việc áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, dữ liệu lớn mang lại các sản phẩm và dịch vụ bất động sản hiệu quả và bền vững hơn với chi phí vận hành thấp hơn. Các nhà phát triển sử dụng công nghệ đang có lợi thế rõ rệt so với nhóm còn lại, trong khi các nhà đầu tư đứng trước cơ hội lợi nhuận lớn hơn.
Dư địa lớn
Tóm lại, triển vọng đầu tư bất động sản rất sáng sủa đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Hoạt động giao dịch được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt trong năm 2022, nhất là tại Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Quốc.
Ngoài nhà ở và bất động sản công nghiệp đang tăng trưởng mạnh, các văn phòng và bất động sản bán lẻ có thể phục hồi tốt trong năm nay, đặc biệt tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore. Các thành phố cửa ngõ dang tiếng ở những quốc gia này sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư, nhất là khi kinh tế dần phục hồi và chủ sở hữu đang đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút khách thuê trở lại. Theo khảo sát của PwC, Tokyo, Singapore, Sydney, Melbourne và Seoul chiếm 5 vị trí hàng đầu về triển vọng đầu tư trong khu vực.
Trong ngắn hạn, khi các quốc gia tiếp tục nới lỏng hạn chế, tỷ lệ lấp đầy và lợi suất cho thuê tại các thành phố lớn sẽ tiếp tục hút vốn đầu tư vào khu vực này. Về dài hạn, việc thiết lập một chiến lược tạo giá trị rõ ràng cho bất kỳ bất động sản nào sẽ là chìa khóa mang lại thành công cho các nhà đầu tư trong một thị trường ngày càng cạnh tranh và phức tạp.
-
Đầu tư bất động sản tại châu Á - Thái Bình Dương đã phục hồi về mức trước đại dịch
JLL cho biết thị trường bất động sản thương mại tại khu vực này đã thu hút 177 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp vào năm 2021, với khối lượng triển khai vốn bằng năm 2019 khi đại dịch chưa diễn ra.
-
Nửa cuối năm 2024 là cơ hội để thu mua bất động sản
Theo khảo sát của CBRE, đầu tư bất động sản thương mại tại châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có thể phục hồi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.
-
Nhà đầu tư châu Á tăng cường vốn vào bất động sản trong trung hạn
Bất động sản, một danh mục phụ lớn thuộc tài sản tư nhân, đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư châu Á, với 64% kỳ vọng sẽ tăng lượng nắm giữ trong trung hạn.
-
Sóng đầu tư Trung Quốc thoái trào, để lại 500 “tòa nhà ma” ở Campuchia
Các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc rút đi đã khiến Sihanoukville, điểm nghỉ dưỡng ven biển nổi tiếng của Campuchia, phải đối mặt với hàng trăm dự án còn dang dở.