Hình minh họa
Vì sao tiến độ giải phóng mặt bằng Vành đai 3 ở Đồng Nai đang rất chậm?
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Anh Tuấn mới đây đã có buổi làm việc với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An về tiến độ triển khai dự án Vành đai 3 TP.HCM.
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục Đường cao tốc (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ giải phóng mặt bằng, thu hồi đất qua các địa phương tương đối khả quan. Trong đó, Long An hoàn tất 98%, TP.HCM 97,23%, Bình Dương 82%. Riêng Đồng Nai chỉ 6,2% và cũng là địa phương có tỷ lệ thu hồi đất thấp nhất trong số các địa phương.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, nguyên nhân chính là địa phương mất rất nhiều thời gian để duyệt đơn giá bồi thường. Đến nay, tỉnh đã duyệt xong đơn giá bồi thường. Đồng thời vừa phê duyệt phương án bồi thường đợt 1 với 512 hộ, số tiền tương đương 508 tỉ đồng.
Bình Dương muốn chủ động khai thác con đường đang có nhiều dự án bất động sản đua nhau mọc lên
Theo CTTĐT Chỉnh phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo về việc điều chỉnh Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương thực hiện đầy đủ các thủ tục về quy hoạch, giao thông đường bộ, quản lý tài sản công để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phân loại, điều chỉnh đối với đoạn Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 13 được xác định là tuyến đường chính yếu khu vực phía Nam.
Tuyến này nối từ Quốc lộ 1, TP Thủ Đức (TPHCM), đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, đến Cửa khẩu Quốc tế Hoa Lư (Bình Phước) dài 142,2km; được quy hoạch đường cấp II-III với quy mô quy hoạch 4-6 làn xe. Tuyến đường Quốc lộ 13 hiện đóng vai trò trục chính đô thị, tiếp nối với đường Mỹ Phước - Tân Vạn tại nút giao Bàu Bàng, đáp ứng việc vận chuyển hàng hóa qua địa bàn tỉnh Bình Dương.
Lâm Đồng cần hơn 54.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa điều chỉnh, bổ sung một số nội dung về chương trình phát triển nhà ở tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.
Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, Lâm Đồng phấn đấu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh đạt khoảng 27m2 sàn/người; diện tích nhà ở tối thiểu 9 m2 sàn/người. Tổng diện tích sàn nhà ở toàn tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 37.179.000 m2, tăng thêm khoảng 5,6 triệu m2.
Trong đó, nhà ở thương mại với khoảng 628.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 4.187 căn; nhà ở xã hội với khoảng 40.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 800 căn; nhà ở tái định cư với khoảng 13.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 147 căn; nhà ở do nhân dân tự đầu tư xây dựng với khoảng 4.970.000 m2 sàn, tương ứng khoảng 33.133 căn.
Về nhu cầu vốn, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lâm Đồng cần 54.194 tỷ đồng phát triển nhà ở, trong đó nguồn vốn từ ngân sách địa phương là 259 tỷ đồng và nguồn vốn khác là 53.935 tỷ đồng.
Thông tin mới về tiến độ cao tốc đầu tiên được xây dựng ở Tây Nguyên
Dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 117,5km, qua 2 tỉnh Khánh Hòa (khoảng 32,7km) và tỉnh Đắk Lắk (khoảng 84,8km) với quy mô 4 làn xe.
Dự án được chia làm 3 dự án thành phần: Thành phần 1 có chiều dài 31,5km đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hoà; Thành phần 2 dài 37km là đoạn nối giữa Khánh Hoà và Đắk Lắk; Dự án thành phần 3 qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk có chiều dài 48km.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, được chính thức khởi công xây dựng từ tháng 6/2023. Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến này 31/12/2023, dự án thành phần 3 đã bàn giao mặt bằng đạt 97,89%.
-
Bất động sản 24h: Đề xuất sớm khởi công loạt hạ tầng quan trọng tại Bà Rịa-Vũng Tàu
Sắp khởi công dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh hơn 85.000 tỷ đồng tại Khánh Hòa; Bà Rịa – Vũng Tàu đề xuất Quốc hội “gỡ vướng” loạt dự án hạ tầng trọng điểm trên địa bàn; Bổ sung gần 1.000 tỉ đồng cho dự án bồi thường, thu hồi đất sân bay Long Thành... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.