Hình minh họa
Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành từ 19/6
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,75%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ mức 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; riêng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm.
Lập tổ công tác khai thác quỹ đất hàng chục ngìn tỉ đồng dọc Vành đai 3 TP.HCM
Tổ công tác gồm 14 người, do Phó chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường làm tổ trưởng. Theo đó, Tổ công tác sẽ nghiên cứu, tham mưu chính quyền thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị cũng như thu hồi đất, tái định cư, đầu tư hạ tầng kết nối, đấu thầu, để phục vụ kế hoạch khai thác đất dọc tuyến vành đai.
Ngoài tham mưu, tổ công tác sẽ rà soát và đề xuất UBND thành phố các dự án cần ưu tiên đầu tư để đồng bộ khai thác hiệu quả quỹ đất. Bên cạnh đó, tổ cũng nghiên cứu thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phục vụ giao thông (TOD) giúp chỉnh trang đô thị và tạo quỹ đất đấu giá. Bên cạnh đó, Tổ sẽ rà soát các khu đất công, đất nông nghiệp dọc Vành đai 3 trước khi đề xuất triển khai các dự án bồi thường để tạo quỹ đất sạch. Việc này sẽ giúp thành phố có cơ sở tính toán đấu giá các khu đất, tạo nguồn vốn phát triển hạ tầng, kinh tế.
TP.HCM từng rà soát sơ bộ khoảng 514 ha đất dọc tuyến vành đai do nhà nước quản lý, khi chưa có hạ tầng có thể đấu giá mang về gần 30.000 tỷ đồng. Ngoài ra, dọc tuyến qua địa bàn thành phố còn có gần 1.900 ha người dân sử dụng, dự tính thu hồi để đấu giá.
Bình Dương và TP.HCM bắt tay đầu tư 5 dự án kết nối giao thông tại khu vực cửa ngõ
Cụ thể, đường Đào Trinh Nhất - TP.Thủ Đức, đường An Bình - TP.Dĩ An, có chiều dài 1,39km, trong đó đoạn qua TP.Dĩ An dài 1,09km, lộ giới quy hoạch 34m để thuận lợi kết nối giữa hai tỉnh, thành.
Đường ĐT.743B kết nối với đường Bình Chiểu và cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và đường ĐT.743B TP. Thuận An, có chiều dài hơn 12km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương khoảng 11,44km, lộ giới theo quy hoạch 60m. Đoạn đường Nam Khu chế xuất Linh Trung 2 - TP. Thủ Đức và đường Vĩnh Phú 32 - TP. Thuận An dài 2,5km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 2,1km, quy hoạch lộ giới 23m.
Đoạn đường N3 -TP.Thủ Đức và đường Vĩnh Phú 41 - TP.Thuận An dài 2,6km, trong đó đoạn qua tỉnh Bình Dương dài 2,3km, quy hoạch đường 24m. Đoạn đường N1 - TP.Thủ Đức và đường Bình Hoà 1 - TP.Thuận An dài khoảng 1km, trong đó đoạn qua TP.Thuận An, Bình Dương dài 850m, đầu tư mở rộng theo lộ giới quy hoạch 26m. Đồng thời, hai bên cũng thống nhất đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư 47 vị trí kết nối TP.Thủ Đức (TP.HCM) và TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương); 06 vị trí kết nối TP.Thủ Đức (TP.HCM) và TP.Thuận An (tỉnh Bình Dương) theo đồ án đã quy hoạch.
Khánh thành hai tuyến cao tốc nghìn tỉ tại Khánh Hòa và Bình Thuận
Ngày 18/6 tới đây hai tuyến cao tốc Bắc - Nam gồm Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Nha Trang – Cam Lâm sẽ chính thức khánh thành. Được biết, cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết có tổng chiều dài 100,8 km đi qua 4 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình Thuận. Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự án hơn 10.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, với vận tốc tối đa là 80km/h.
Việc thông tuyến này đã giúp tạo trục quan trọng từ nút giao An Phú (TP.HCM) theo cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết nối Phan Thiết - Vĩnh Hảo, có tổng chiều dài khoảng 245km. Sau khi thông tuyến, thời gian từ TP.HCM đến Vĩnh Hảo chỉ còn khoảng hơn 3 giờ.Đồng thời, trên tuyến có 6 nút giao kết nối các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Từ các nút giao này có thể đi các huyện ở Bình Thuận hoặc đi Ninh Thuận, Lâm Đồng.
-
Bất động sản 24h: Khánh Hòa xử lý hàng trăm dự án chậm tiến độ
Quy hoạch Thành phố Tân An thành đô thị vệ tinh của TP.HCM; 8 tuyến đường mở mới có giúp “lấp đầy” khu đô thị 160ha này ở TP. Thủ Đức; Khánh Hòa xử lý 111 dự án chậm tiến độ, chuẩn bị đón làn sóng đầu tư mới... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.