Hình minh họa
Hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 13 trong năm 2025, khởi công cao tốc TP.HCM - Chơn Thành và Vành đai 4 trong quý I/2025
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 39 khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025 (mở rộng) vừa diễn ra, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm nhằm tăng cường kết nối vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc lộ 13, tuyến đường huyết mạch kết nối Bình Dương với TP.HCM và các tỉnh lân cận, được chỉ đạo phải hoàn tất việc nâng cấp và mở rộng trong năm 2025. Việc này không chỉ giảm tải áp lực giao thông mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và giao thương trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành: Đây là tuyến đường chiến lược nối liền TP.HCM, Bình Dương và Bình Phước, dự kiến góp phần quan trọng trong việc kết nối tam giác kinh tế Đông Nam Bộ. Việc khởi công dự án này trong quý I/2025 là một bước tiến lớn, đáp ứng kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp về một tuyến cao tốc hiện đại, giảm thời gian di chuyển và chi phí logistics.
Hải Phòng chuyển đổi hơn 62.000m2 đất xây dựng tuyến đường 12 làn xe
hơn 62.400m2 đất đã được giải phóng mặt bằng tại hai xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên, được giao cho Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng thực hiện dự án. Trong đó, 36.625m2 đất trồng lúa được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp theo Nghị quyết số 43/NQ-HĐND ban hành ngày 29/8/2022.
Cụ thể, diện tích đất giao gồm 44.765m2 tại xã Tân Dương và 17.731m2 tại xã Dương Quan. Phương thức giao đất là không đấu giá quyền sử dụng đất và không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Dự án được kỳ vọng sẽ tăng cường kết nối giao thông, phục vụ phát triển đô thị khu vực phụ cận, đồng thời góp phần cải thiện mạng lưới hạ tầng tại huyện Thủy Nguyên – nơi đang được định hướng trở thành trung tâm hành chính mới của TP.Hải Phòng.
Tuyến đường Đỗ Mười kéo dài có tổng chiều dài 1,58km, được thiết kế với tốc độ tối đa 60km/h. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.066 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách địa phương.
Điểm đầu của đường Đỗ Mười kéo dài sẽ nằm cạnh hai công trình trị giá gần 5.000 tỷ đang thi công là: Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn. Điểm cuối giao với đường trục 9C VSIP Hải Phòng.
Quy hoạch bao gồm đoạn đầu tuyến rộng 50,5m và đoạn cuối tuyến rộng 36m, rộng 12 làn xe đảm bảo phục vụ nhu cầu giao thông đô thị hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật trên tuyến được xây dựng đồng bộ, bao gồm nút giao đầu và cuối tuyến cùng hệ thống đường, vỉa hè, thoát nước và chiếu sáng.
Hé lộ danh sách dự án TP.HCM cam kết hoàn thành trong tháng 12/2024
Ngày 3/12, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký ban hành văn bản chỉ đạo việc phân công Thường trực UBND TP theo dõi, chỉ đạo giải quyết các dự án tồn đọng, chậm tiến độ nhằm hoàn thành và đưa vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực trong tháng 12/2024.
Giải quyết các dự án trọng điểm như cầu Thủ Thiêm 2, các tuyến đường trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đường song hành Mai Chí Thọ - Vành đai 2. Dự án chống ngập giai đoạn 1, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Khu phức hợp Tháp Quan sát tại Thủ Thiêm. Công viên Sài Gòn Safari (Củ Chi), Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (quận Bình Thạnh), và Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc.
Chỉ đạo xử lý các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án liên quan đến các khu đất tại 8-12 Lê Duẩn và 2-4-6 Hai Bà Trưng (quận 1). Dự án Sing-Việt (huyện Bình Chánh) và các kết luận kiểm tra từ Đoàn 857.
Một phân khúc bất động sản đạt tỷ lệ hấp thụ 64%, khách hàng tranh nhau trả thêm tiền chênh để mua
Báo cáo mới đây về phân khúc hạng sang, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho thấy số lượng dự án thuộc loại hình này (giá từ 80 triệu đồng/m2), đang không ngừng tăng ở các đô thị loại 1, nhất là tại Hà Nội.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, phân khúc Bất động sản hạng sang chiếm khoảng 25% nguồn cung mới và có tỷ lệ hấp thụ khát tốt, đạt khoảng 64%.
“Nhiều khách hàng chấp nhận trả thêm tiền chênh chỉ để sở hữu các sản phẩm hạng sang giới hạn hay có vị trí vàng trong dự án” theo VARS.
Theo đơn vị này, thực tế Bất động sản hạng sang chưa có định nghĩa trong các văn bản pháp luật hiện hành. Phân khúc này thường gắn liền với tên tuổi của các thương hiệu Bất động sản danh tiếng, được định nghĩa bởi nhiều yếu tố khác nhau, từ vị trí đắc địa, thiết kế độc đáo, tiện ích cao cấp, đến dịch vụ quản lý tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm Bất động sản hạng sang thường tập trung ở khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM và các tỉnh, thành có du lịch phát triển.
-
Bất động sản 24h: Bình Dương sẽ đấu thầu 15 khu đất rộng gần 2.760ha trong năm 2025
Tỉnh có 5 thành phố, giáp TP.HCM sẽ đấu thầu gần 2.760ha đất trong năm 2025; Gần 4.400 hộ dân đủ điều kiện bố trí tái định cư sân bay Long Thành; Tuyến đường 1.557 tỷ đồng nối Võ Văn Kiệt với cao tốc TP.HCM - Trung Lương sắp khởi công trở lại... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.