Hình minh họa
Gấp rút duyệt phương án bồi thường 2 tuyến đường kết nối sân bay Long Thành
Theo quy hoạch, đường T1 có chiều dài 3,8km sẽ có điểm đầu từ cổng phía Tây sân bay Long Thành kết nối với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, quốc lộ 51 và điểm cuối nối với đường tỉnh 25C. Đường T2 có chiều dài 3,5km có điểm đầu giao với tuyến số 1, kéo dài song song với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và điểm cuối giao với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Để xây dựng 2 tuyến đường này, huyện Long Thành sẽ phải thực hiện thu hồi diện tích đất hơn 126ha, trong đó có hơn 110ha là đất của các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng.
Theo lãnh đạo huyện Long Thành đến cuối tháng 6/2023, sẽ hoàn thành và duyệt phương án bồi thường cho người dân ở cả hai tuyến đường trên. Cụ thể, tuyến T1 có diện tích đất thu hồi hơn 60ha. Hiện nay, đã phê duyệt phương án bồi thường 305 trường hợp/gần 60ha; còn lại 16 trường hợp chưa phê duyệt phương án bồi thường. Với tuyến đường T2 có diện tích đất thu hồi 50,01 ha với 450 trường hợp đất hộ gia đình và cá nhân nằm trong dự án. Đã phê duyệt phương án bồi thường 407 trường hợp/hơn 32ha; còn 33 trường hợp/gần 18ha đang hoàn chỉnh hồ sơ phê duyệt phương án bồi thường…
Bình Thuận ra ‘tối hậu thư’ cho loạt dự án khu du lịch
UBND tỉnh Bình Thuận gia hạn tiến độ sử dụng đất với thời gian 18 tháng đối với dự án Khu du lịch Làng Tre La Gi tại thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, thị xã La Gi của Công ty TNHH Làng Tre - La Gi để triển khai đầu tư dự án, đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Trường hợp, quá thời hạn 18 tháng mà Chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng gia hạn tiến độ sử dụng đất với thời gian 18 tháng đối với dự án Khu du lịch Thái Thịnh tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết của Công ty TNHH Du lịch Thái Thịnh để triển khai đầu tư dự án, đưa đất vào sử dụng theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 và điểm b khoản 1 Điều 15 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Trường hợp, quá thời hạn 18 tháng mà Chủ đầu tư không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì UBND tỉnh thu hồi đất theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Sau Vành đai 3, TP.HCM dự chi 20.500 tỉ đồng khởi động Vành đai 4
TP.HCM đang tìm phương án phù hợp để thực hiện dự án đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn. Trong đó, phương án khả thi nhất được đơn vị tư vấn đề xuất có chiều dài 17,12km, tổng vốn đầu tư khoảng 20.500 tỉ đồng. Theo phương án này, tuyến có chiều dài khoảng 17,12 km, giải toả 160 ha với 533 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Giai đoạn một, kinh phí đầu tư ước tính 13.883 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn hoàn thiện khoảng 20.500 tỉ đồng. Đơn vị tư vấn, cho biết phương án này giúp đoạn vành đai hạn chế ảnh hưởng các quy hoạch, nhất là khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi giai đoạn hai.
Ngoài phương án trên, đơn vị tư vấn còn trình bày 2 phương án khác: Cụ thể, phương án một có hướng tuyến cơ bản trùng với hướng tuyến trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM. Phương án này tuy diện tích giải tỏa ít hơn nhưng do trùng với các tuyến đường hiện hữu nên số lượng hộ dân di dời lên đến 1.100 hộ. Chi phí đầu tư gần 17.800 tỉ đồng, nếu dự án đi trên cao vốn đầu tư lên đến 25.000 tỉ đồng. Phương án thứ hai hướng tuyến về phía Đông Nam với chiều dài 16,95km, tổng vốn đầu tư hơn 13.600 tỉ đồng. Dù là hướng ngắn nhất, chi phí đầu tư thấp nhất nhưng đơn vị tư vấn cho biết, tuyến sẽ cắt ngang khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi nên khó khăn thực hiện.
Nguồn cung bất động sản sắp được tháo gỡ?
Phát biểu tại “Ngày hội Môi giới bất động sản Việt Nam 2023”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đánh giá, thị trường bất động sản thời gian đã và đang phải trải qua những khó khăn, vướng mắc, trong đó có tình trạng một số sàn giao dịch bất động sản phải thu hẹp quy mô, ngừng hoạt động, cắt giảm nhân sự. Nguồn cung, cơ cấu sản phẩm bất động sản khan hiếm, kém phong phú, ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của các sàn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản. Nhiều chỉ thị, công điện, giải pháp được Chính phủ liên tục ban hành, đặc biệt là Nghị quyết số 33 về phát triển thị trường bất động sản ổn định, an toàn, lành mạnh. Ngoài ra, một số nhóm vấn đề vướng mắc lớn đã được đề xuất sửa đổi và đang trình Quốc hội trong các dự thảo Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi.
-
Bất động sản 24h: TP.HCM chuẩn bị thi công Metro số 2 Bến Thành-Tham Lương
TP.HCM chi 1.000 tỉ đồng “dọn sạch” mặt bằng cho tuyến metro số 2; Gỡ “điểm nghẽn” để đạt mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030; Quốc hội lập đoàn giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.