23/06/2023 7:26 PM
TP.HCM chi 1.000 tỉ đồng “dọn sạch” mặt bằng cho tuyến metro số 2; Gỡ “điểm nghẽn” để đạt mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030; Quốc hội lập đoàn giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội... là những thông tin đáng chú ý trong 24h qua.

Hình minh họa

TP.HCM chi 1.000 tỉ đồng “dọn sạch” mặt bằng cho tuyến metro số 2

Ban quản lý Dự án Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa khởi công Gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu đầu tiên của dự án metro số 2 Bến Thành – Tham Lương. Theo đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật bị ảnh hưởng bởi dự án metro số 2, gồm: công trình cấp, thoát nước, công trình điện, viễn thông, cây xanh, chiếu sáng… Tổng chi phí di dời khoảng 1.000 tỉ đồng.

Gói thầu chia làm 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1, thi công xây dựng hệ thống cấp và thoát nước; lắp đặt điện cao thế; di dời tạm các công trình điện (gồm trung thế và hạ thế), công trình viễn thông vào hành lang 5. Giai đoạn 2, nhà thầu sẽ di dời tái lập ngầm vĩnh viễn công trình điện (trung và hạ thế), công trình viễn thông vào hào kỹ thuật ngầm đảm bảo phù hợp thiết kế, cảnh quan đô thị. Gói thầu này dự kiến thực hiện trong 20 tháng tại 12 vị trí trải dọc 9 ga ngầm, 2 đoạn đào hở, 1 ga trên cao.

Quốc hội lập đoàn giám sát quản lý thị trường bất động sản và nhà ở xã hội

Nghị quyết quyết nghị thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và phân công Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Đoàn.

Theo Nghị quyết, mục đích giám sát là để đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; Đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Gỡ “điểm nghẽn” để đạt mục tiêu 5.000km cao tốc vào năm 2030

Trước nguy cơ thiếu vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các tuyến cao tốc trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo về việc tháo gỡ các khó khăn vướng mắc liên quan đến khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng thông thường cho các dự án quan trọng này.

Bộ trưởng các Bộ và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ để có những giải pháp quyết liệt, kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc. Với lãnh đạo địa phương có dự án đi qua và có mỏ vật liệu xây dựng cần giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến khai thác mỏ mới, nâng công suất mỏ.Đồng thời không đặt thêm các yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính gây khó khăn vướng mắc cho các nhà thầu, chủ đầu tư…. Khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các dự án rà soát, nâng công suất các mỏ đá, mỏ cát, mỏ đất đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu và tiến độ thi công.

Bộ trưởng Bộ GTVT thành lập tổ công tác làm việc thường xuyên với các tỉnh thành nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện dư án.

Kiệt sức vì trả lãi, nhà đầu tư tay ngang chấp nhận mất cả tỉ để “thoát hàng”

Từ đầu năm 2018 đến đầu năm 2022, tại khu vực phía Bắc thị trường Bất động sản các tỉnh và thành phố diễn ra vô cùng sôi nổi. Nhất là đất tại các huyện ngoại thành Hà Nội cũng bùng lên cơn sốt trước thông tin sắp được lên quận. Giá đất 4 huyện Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì và Gia Lâm đã tăng lên 30 – 50% trong khoảng 2 năm trở lại. Nhiều nhà đầu tư sợ mất cơ hội làm giàu nên không ngần ngại vay hàng tỉ đồng đến cả chục tỉ đồng để tham gia vào thị trường.

Theo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của Bộ Xây dựng quý I/2023, có 106.401 giao dịch thành công, so với quý IV/2022 chỉ đạt 65,06% và 61,2% so với quý I/2022. Lượng giao dịch giảm chủ yếu tập trung vào phân khúc đất nền (lượng giao dịch đối với đất nền chỉ đạt 45,09% so với quý IV/2022 và 43,81% so với quý I/2022). Các chuyên gia khuyên, trong giai đoạn hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân nên mạnh dạn cắt lỗ những sản phẩm cần thiết, vì tiền mặt là quan trọng. Còn với những nhà đầu tư có tiền mặt, những sản phẩm nào yêu thích lúc sốt rất khó mua, lúc này dễ mua cứ nên mua.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.