24/03/2013 9:03 AM
CafeLand - Thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và trong “cái khó ló cái khôn” khi nhiều doanh nghiệp tìm ra hướng đi riêng để tồn tại, hoặc tệ hơn là rút tên khỏi ngành này để tránh sa lầy. Tuy nhiên vẫn có không ít doanh nghiệp lại đánh liều ở lại để tìm kiếm cơ hội.

Ảnh MN

Người “bỏ của” kẻ gom hàng

Mới đây,Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Xây dựng Cotec (Coteccons) đã thống nhất chi hơn 172 tỷ đồng để mua lại 3,5 triệu cổ phần của Công ty Đầu tư Xây dựng Phú Hưng Gia và 2,64 triệu cổ phần tại Công ty Đầu tư Xây dựng Uy Nam (Unicons). Thời gian thực hiện ngay từ quý 1 hoặc quý 2/2013. Nếu thành công Coteccons sẽ sở hữu 40,85% cổ phần tại Phú Hưng Gia và 51% cổ phần tại Unicons.

Thời gian tới, Coteccons cho biết sẽ tiếp tục đàm phán để mua tiếp 10,15% cổ phần tại Công ty Phú Hưng Gia thực hiện mục tiêu nắm giữ 51% cổ phần tại công ty này.

Kể từ khi thị trường bất động sản gặp khó khăn và thị trường đóng băng bắt đầu xuất hiện những đơn vị đánh tiếng mua lại công ty hay các dự án bất động sản để tìm cơ hội. Một vài thương vụ có thể kể đến như Công ty Cổ phần Khách sạn & Dịch vụ Đại Dương công bố nhận chuyển nhượng toàn bộ hơn 4 triệu cổ phần, tương đương 100% vốn điều lệ Công ty Bất động sản Việt Bắc hay trường hợp Tập đoàn Đất Xanh mua lại 2 dự án căn hộ tại Tp.HCM.

Trong khi một số doanh nghiệp mạnh tay mua lại cổ phần với giá rẻ tại một số công ty và dự án bất động sản thì cũng có đơn vị khác lại muốn rút bớt khỏi bất động sản.

Theo Công ty Cổ phần Vạn Phát Hưng, trong năm 2013 công ty sẽ tập trung bán nốt các căn hộ tồn và các quỹ đất hiện có. Vạn Phát Hưng cũng tiếp tục thương thảo và rút vốn tại các công ty con như Công ty Cổ phần Bất động sản Nhà Bè, Công ty cổ phần chứng khoán Sen Vàng và Công ty Cổ phần Vạn Khải.

Những ngày đầu năm 2013, Công ty phát triển nhà Thủ Đức công bố thoái vốn thành công tại Dự án Đồng Mai, tọa lạc tại Hà Đông, Hà Nội với tổng giá trị chuyển nhượng 80 tỷ đồng.

Thông tin từ công ty Jones Lang LaSalle Vietnam, khu phức hợp Nha Trang Center tọa lạc trên đường Trần Phú, thành phố Nha Trang đang tìm nhà đầu tư để bán lại một phần hoặc toàn bộ dự án này. Quỹ đầu tư VinaLand của VinaCapital cũng công bố chuyển nhượng thành công Dự án tại 30 Nguyễn Du, Hà Nội cho Vinataba, thu về 3,3 triệu USD.

Có nên tháo chạy?

Có thể thấy, các doanh nghiệp bất động sản đang kiệt sức khi mà con số doanh nghiệp giải thể tăng đều đều. Nếu trong năm 2011, toàn quốc có hơn 576 doanh nghiệp bất động sản giải thể và ngưng hoạt động thì con số này trong năm 2012 lại tăng 20%, lên 680 doanh nghiệp.

Việc các doanh nghiệp bất động sản tháo chạy cũng là điều dễ hiểu bởi thị trường khó khăn kéo dài, việc bán sản phẩm gặp khó khăn trong khi áp lực lãi vay ngày càng lớn.

Theo ông Lương Trí Thìn – Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị Đất Xanh Group, có những người cho rằng giai đoạn năm 2012 – 2013 là xấu nhưng cũng có những người cho rằng giai đoạn này rất tốt, bởi vì trên thị trường luôn có điểm sáng, xấu của người này nhưng lại là cơ hội cho người khác. Theo ông, khi các dự án đã xuống đến đáy thì người mua có ưu thế để đàm phán và mua được sản phẩm với giá tốt, cũng như có nhiều lựa chọn để đầu tư.

Hiện tại các chính sách của Chính phủ thời gian gần đây cũng đang tập trung hỗ trợ thị trường. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội thông báo sẽ dừng xem xét các đề xuất phát triển nhà ở thương mại từ nay đến hết năm sau để giải quyết hết 6.000 căn hộ đang còn tồn đọng trên địa bàn thành phố. Việc dừng cấp phép mới cho các dự án nhà ở thương mại sẽ góp phần làm hạn chế một phần nguồn cung các dự án bất động sản mới trong lúc lượng căn hộ tồn kho vẫn chưa được giải quyết.

Trước đó, Ngân hàng nhà nước đã công bố sẽ tung ra gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho vay thuê, mua nhà ở với lãi suất 6%/năm trong 3 năm đầu tiên. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của gói tín dụng này nhưng ít nhiều nó cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường.

Tuy nhiên chưa thể kỳ vọng vực dậy thị trường ngay được. Doanh nghiệp nếu muốn tiếp tục bám trụ và sống được trên thị trường cần có những chiến lược cụ thể phù hợp với thế mạnh và khả năng tài chính mà doanh nghiệp đang có. Việc đầu tiên và kiên quyết nhất cần làm là giải quyết hàng tồn kho để tiếp tục có vốn hoạt động. Có như vậy, doanh nghiệp mới không bị thị trường đào thải.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.