Xuất phát từ mong muốn trên, ông Nguyễn Ðình Chức (ngụ khu Bình Quới - Thanh Ða, quận Bình Thạnh, TP HCM) luôn theo sát các thông tin liên quan đến quy hoạch, xây dựng. "Ðọc được thông tin trên báo chí với nội dung "sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định", tôi vô cùng mừng rỡ" - ông Chức kể.
Mòn mỏi đợi chờ
Theo ông Chức, gia đình ông có 2.200 m2 đất ở Thanh Ða nhưng hiện tại chỉ có thể cho thuê canh tác nông nghiệp với giá 2 triệu đồng/tháng. "Số tiền này không đủ lo ăn sáng cho cả gia đình. Trong khi, nếu không vướng quy hoạch treo hàng chục năm trời thì với mảnh đất này, gia đình tôi đã đổi đời từ lâu chứ không sống khó khăn như hiện tại" - ông Chức bức xúc.
Khu Bình Quới - Thanh Ða vẫn cứ đầy ao với ruộng sau hơn 20 năm quy hoạch “treo”. Ảnh: Hoàng Triều
Người dân khu Mả Lạng, quận 1, TP HCM sống trong cảnh chật hẹp vì thuộc diện quy hoạch .Ảnh: Lê Phong
Ông so sánh nếu đất của ông ở phía bên kia bờ sông Sài Gòn thuộc khu Thảo Ðiền (quận 2), ông có thể ngồi trên "núi" tiền. Vậy mà, mong muốn triển khai dự án hoặc xóa quy hoạch treo của ông từ lúc vừa cưới vợ đến nay đã có cháu ngoại vẫn chưa thành. "Do đó, khi thấy thông tin trên, tôi liền nghĩ bụng sẽ xây kho chứa hàng cho thuê thay cho việc cho thuê đất ao để tăng thu nhập. Tuy nhiên, khi trực tiếp điện thoại đến đường dây nóng UBND quận Bình Thạnh để nắm bắt thì mới hay quy định trên không dành cho khu bán đảo Thanh Ða mà chỉ áp dụng cho các dự án kể từ ngày 1-1-2021" - ông Chức nói trong buồn bã.
TP đã ban hành Quyết định 26 của UBND TP HCM, trong đó cho phép cấp giấy phép xây dựng tạm có thời hạn, cho phép sửa chữa nhà… đối với các trường hợp thuộc dự án "treo". "Khó lắm chú ơi, muốn được vậy phải chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa lên đất thổ mới được xây mà muốn chuyển mục đích thì khó hơn lên… trời! Vì vậy, gia đình tôi cứ thế sống khó khăn trên… đống tiền" - ông Chức cười buồn.
Nói rõ hơn về khó khăn trong xin cấp phép xây dựng tạm ở khu vực quy hoạch "treo", ông Ngô Văn Tuấn (có khu đất nằm trên đường Tập Ðoàn 6B, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân) kể do có nguyện vọng xây dựng nhà thờ tổ tiên nên năm 2015, ông đến địa phương xin đăng ký chuyển mục đích sử dụng từ đất lúa sang đất ở nhưng nhận được thông báo khu đất thuộc quy hoạch cây xanh nên không chuyển mục đích được. Chờ hoài không thấy dự án thực hiện, năm 2017, ông lên phường hỏi tiếp thì được biết khu đất thuộc quy hoạch đường dự phóng. Tiếp tục chờ, đến đầu năm 2020, ông Tuấn lên quận hỏi lại và xin chuyển mục đích sử dụng đất cho 400 m2 đất thì quận có văn bản trả lời khu đất thuộc quy hoạch đất giáo dục. "Tôi đề nghị chính quyền xem xét sớm xóa treo cho người dân nếu không thực hiện dự án. Nếu không xóa thì cho phép người dân chuyển mục đích sử dụng đất, xây nhà ở để ổn định cuộc sống" - ông Tuấn đề nghị.
Tương tự, hàng trăm hộ dân có nhà, đất nằm trong dự án KCN, khu dân cư 384,2 ha thuộc xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cũng bị "treo" quyền lợi 20 năm nay do không được chuyển mục đích sử dụng đất như mong muốn.
"Hết nhà đầu tư này đi thì nhà đầu tư khác đến nhưng cũng không thực hiện gì trong khi người dân bị "treo" quyền lợi, đất đai bỏ hoang cỏ mọc um tùm. Năm 2018 tôi lên xã đăng ký xin chuyển mục đích sử dụng 1.000 m2 từ đất lúa sang đất ở nhưng đăng ký rồi để đó chứ còn quy hoạch "treo" thì không ai giải quyết cho mình. Mà đất không được chuyển sang đất ở thì chỉ trồng lúa chứ không xây dựng gì được" - ông Hồ Văn Hóa (ấp 1, xã Xuân Thới Thượng) than thở.
Sẽ không còn "xí đất"?
Ðại diện UBND xã Xuân Thới Thượng cho biết theo Quyết định 26 của UBND TP HCM thì hộ dân có đất nền đã chuyển mục đích sử dụng sang đất ở dù thuộc dự án "treo" vẫn được cấp phép xây dựng có thời hạn, không quá 3 tầng đối với nhà ở riêng lẻ… Tuy nhiên, thực tế "vướng" hiện nay đa phần là các hộ dân trong dự án treo không được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất lúa sang đất ở, khi không được chuyển mục đích sử dụng đất thì không thể xây dựng.
Trước thực trạng này, UBND xã Xuân Thới Thượng đã kiến nghị UBND huyện Hóc Môn "gỡ treo" cho dự án trên và vừa rồi UBND huyện Hóc Môn đã chính thức công bố quy hoạch, mời gọi các nhà đầu tư đến đầu tư KCN kết hợp khu dân cư 384,2 ha. "Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đến rồi đi vì diện tích quá lớn trong khi phải tự thương lượng giá, bồi thường với người dân là việc khó" - đại diện UBND xã Xuân Thới Thượng cho hay. Vị này hy vọng Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 vừa được Quốc hội ban hành và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2021 sẽ góp phần tối đa loại bỏ các dự án treo hình thành trong tương lai. Bởi theo khoản 33 điều 1 của Luật số 62, trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện đã được công bố mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định.
Theo ghi nhận của chúng tôi, quy định mới của Luật số 62 được đa phần các địa phương đánh giá cao vì quy định thời hạn rõ ràng nhằm hạn chế tình trạng nhà đầu tư "xí đất" rồi để đó, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của những hộ dân nằm trong vùng dự án. Tuy nhiên, nhiều cán bộ cấp xã, phường cũng đưa ra kiến nghị để tránh tình trạng "treo" hàng chục năm theo kiểu liên tục thay nhà đầu tư thì mọi việc cần phải công khai cho người dân và chính quyền xã rõ.
Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng TP cũng khẳng định quy định mới trên đã chặt chẽ hơn trong việc hạn chế tối đa thời gian kéo dài dự án cũng như bảo đảm đầy đủ quyền lợi trực tiếp của người dân. Ngoài ra, Sở Xây dựng TP còn thông tin trong năm 2020, sở này đã làm việc với nhiều sở, ngành TP và đi đến thống nhất điều chỉnh và hủy bỏ hơn 100 dự án nằm trong kế hoạch sử dụng đất kể từ năm 2015 đến nay. Các dự án này hoặc sẽ được xóa bỏ hoàn toàn hoặc thu hẹp diện tích, quy mô.
Nhiều địa phương muốn điều chỉnh diện tích đất lúaSở Tài nguyên và Môi trường TP HCM vừa có văn bản tham mưu UBND TP, trình HÐND TP thông qua Danh mục dự án thu hồi đất, dự án chuyển đổi mục đích đất trồng lúa trên địa bàn TP. Theo đó, có 32 dự án cần thu hồi đất, 16 dự án cần thu hồi đất và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, 4 dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 10 ha, 22 dự án cần điều chỉnh diện tích thu hồi đất và điều chỉnh diện tích chuyển mục đích sử dụng đất lúa. Bên cạnh đó, tại 11 quận, huyện có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình và cá nhân với tổng diện tích chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa là 1.383,82 ha; gồm: quận 2: 21,40 ha; quận 7: 7,34 ha; quận 9: 2,40 ha; quận 12: 12,37 ha; quận Bình Tân: 28,13 ha; quận Thủ Ðức: 11,36 ha; huyện Nhà Bè: 26,18 ha; huyện Bình Chánh: 129,53 ha; huyện Hóc Môn: 252,3 ha; huyện Cần Giờ:16,3 ha và huyện Củ Chi: 871,51 ha. P.Anh |
Nhiều dự án "treo" đã có quyết định thu hồi đấtPhòng Cấp Phép xây dựng Sở Xây dựng TP HCM cho biết hiện nay một số dự án đã có Quyết định thu hồi đất sẽ không được áp dụng xin giấy phép để xây dựng công trình tạm. Trong đó, những dự án lớn như khu Mả Lạng (quận 1), khu Nguyễn Thượng Hiền (quận 3), Bình Quới - Thanh Ða (quận Bình Thạnh)..., người dân chỉ được phép cải tạo, sửa chữa lại nhà khi có dấu hiệu xuống cấp. Việc sửa chữa này phải bảo đảm dựa trên kiến trúc hiện trạng và chỉ cần nộp bảng vẽ đến trụ sở UBND phường hoặc hệ thống hành chính công trực tuyến. L. Phong |
-
Từ năm 2021, đất thuộc diện ‘quy hoạch treo’ vẫn có thể xây nhà mới
CafeLand - Sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất… thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn theo quy định.
-
Chấm dứt các chủ trương cũ tại dự án Bình Quới Thanh Đa, Tứ Giác Mả Lạng để giao nghiên cứu, đề xuất mới
Thông tin này được Cổng Thông tin điện tử Chính phủ - Trang TP.HCM đăng tải qua buổi họp báo vào chiều 19/10 nhằm cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM....
-
Hà Nội sắp sửa đấu giá nhiều lô đất vàng
Hơn 11.000m2 đất tại hai quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm sẽ bị thu hồi để thực hiện đấu giá.
-
Loạt giải pháp xử lý “quy hoạch treo” và “dự án treo” ở Bà Rịa – Vũng Tàu
UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa ban hành văn bản chỉ đạo khắc phục tình trạng “quy hoạch treo” và “dự án treo” trên địa bàn tỉnh.