Vào cuối tháng 4, Công ty cổ phần Vincom cũng tuyên bố rút khỏi dự án Sun City Hà Nội. Theo đó, Vincom đã chuyển nhượng vốn trong dự án Sun City cho Công ty cổ phần thành phố Mặt trời (Sun Group). Lý do cũng được Vincom tiết lộ là để tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án phức hợp đô thị như Royal City, Times City, đồng thời mở cửa các siêu trung tâm thương mại mang tên Vincom Mega Mall. Đặc biệt, Vincom muốn dốc sức thi công dự án Vincom Village với hơn 180 ha tại quận Long Biên để chuẩn bị chuyển “đại bản doanh” về đó.
Hôm qua, Vingroup cho biết sẽ chuyển nhượng toàn bộ
tháp B khối văn phòng của toà nhà Vincom Center Hà Nội (phố Bà Triệu)
cho Techcombank khiến không ít người ngỡ ngàng. Số tiền chuyển nhượng
tháp B vẫn chưa được Vingroup công bố. Tuy nhiên, ông Lê Khắc Hiệp -
Phó chủ tịch Vingroup cho biết, việc chuyển nhượng sẽ giúp Vingroup có
thêm một lượng vốn để phát triển các dự án quan trọng.
Lãnh đạo Techcombank lên tiếng khẳng định hai bên chưa từng có quan hệ tín dụng.
Việc bán một tòa tháp ở vị trí đắc địa giữa thủ đô
của Vingroup kèm việc trước đó vừa chuyển nhượng vốn góp ở Sun City, đã
làm dấy lên tin đồn: trong bối cảnh thị trường bất động sản khó, đại
gia địa ốc phải bán nhà để gán nợ cho ngân hàng.
Trong thông cáo báo chí về vụ bán tháp B Vincom, phía
người mua là Techcombank đã khẳng định việc Vincom chưa từng có quan hệ
tín dụng với nhà băng này. Việc mua tòa tháp B Vincom là nhằm đáp ứng
nhu cầu mở rộng quy mô của ngân hàng.
Trong khi đó, giới kinh doanh còn lan truyền nhau tin đồn nhà thầu Delta rút khỏi dự án Times City (cũng của Vingroup - trước đây là Vincom) vì không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề thanh toán. Thêm vào đó, thông tin về dự án Times City ồ ạt chiết khấu trên thị trường, thậm chí được chủ đầu tư ưu ái giãn tiến độ cho người mua càng khiến tin đồn Vincom đang thiếu vốn được củng cố.
Tuy nhiên, lãnh đạo một nhà thầu thông tin, trong khi
nhiều dự án "đỏ mắt" tìm nhân công thì các dự án Vincom xuất hiện tình
trạng công nhân đổ xô đến xin làm. Lý do là một khối xây (1m3) thường
là 380.000-400.000 đồng nhưng công trình của Vincom trả tới 450.000
đồng và thường thanh toán rất đúng tiến độ.
Trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Khắc
Hiệp, Phó chủ tịch Vingroup chia sẻ bản thân ông còn nhận được nhiều
lời đồn thổi ác ý hơn hơn như bị gán nợ, đói vốn… nhưng Vingroup không
bận tâm. Ông Hiệp khẳng định, tập đoàn hoàn toàn có đủ nguồn vốn để có
thể thực hiện thành công những dự án đã triển khai.
Những động thái nêu trên chỉ nhằm dồn toàn lực để tập trung và đảm bảo cao hơn nữa cho việc thực hiện đúng tiến độ và chất lượng các dự án trọng điểm như đã cam kết với khách hàng. Nhu cầu huy động nguồn vốn lớn là chuyện rất bình thường, quy mô doanh nghiệp càng lớn, dự án càng nhiều thì càng “khát vốn” để triển khai các dự án, để đầu tư kinh doanh
Lãnh đạo Vingroup khẳng định, Vincom là một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, nên khi sản phẩm của mình được trả giá hợp lý thì đây là cơ hội kinh doanh và sẽ bán. "Việc chuyển nhượng rút vốn là bình thường, phát sinh từ nhu cầu muốn mua và muốn bán của 2 bên. Năm 2006, Vincom cũng đã chuyển nhượng tháp A của tòa nhà này cho BIDV", ông Hiệp nói.
Phía Vincom cũng phủ nhận tin Times City giảm giá hay giãn tiến độ đóng tiền, và chuyện nhà thầu Delta bỏ dự án. "Chủ đầu tư vẫn đang bán hàng theo đúng giá gốc, không giảm giá hay giãn tiến độ. Công tác thi công tại Times City vẫn đang được nhà thầu Delta thi công theo đúng cam kết", bà Phạm Thi Lan Phương, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Vincom khẳng định.