16/09/2020 11:11 AM
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, dịch Covid lần 2 đã làm thị trường bất động sản Đà Nẵng thêm "rung lắc dữ dội", giá bất động sản tiếp tục giảm sâu và xuất hiện tình trạng bán tháo từ các nhà đầu tư.

Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vẫn là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng

Dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến thị trường bất động sản Đà Nẵng. Các dự án ở hầu hết phân khúc đều giảm giá sâu do tác động của dịch bệnh. Đặc biệt, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng vốn là thế mạnh của Đà Nẵng lại càng bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo bất động sản, trong chu kỳ giảm giá của thị trường bất động sản lần này, Đà Nẵng đã đi trước một năm so với thị trường chung cả nước.

Tháng 3/2019, thị trường đạt đỉnh và sau 1 năm (3/2020), giá đất nền, sản phẩm phổ biến nhất trên thị trường đã giảm từ 30% - 50% tùy khu vực.

Đáng chú ý, đà suy giảm của thị trường đã kéo dài gần một năm rưỡi đã khiến tâm lý nhiều nhà đầu tư bất an và nhiều lung lay. Trước thực tế này, dịch Covid lần 2 đã làm thị trường thêm "rung lắc dữ dội".

Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm giá bất động sản trên thị trường, ông Lập cho rằng, nền kinh tế Đà Nẵng phụ thuộc phần lớn vào ngành dịch vụ. 68% GDP của thành phố xuất phát từ đóng góp của ngành này trong năm 2019. Trong, đó du lịch, nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng rất lớn.

Cú sốc Covid lần 2 đã khiến Đà Nẵng chịu nhiều "tang thương". Hệ thống khách sạn đã gần như "giương cờ trắng". Nhiều khách sạn đang rao bán. Trong khi đó, nhiều người tin rằng, chỉ cần gãy đổ ở thị trường này sẽ dẫn đến hiệu ứng Domino lan ra toàn thị trường bất động sản.

Mặt khác, Covid lần 2 cũng đã tàn phá nặng nề nền kinh tế của thành phố. Người dân và nhà đầu tư hoang mang cực độ. "Nhiều nhà đầu tư tin rằng thị trường sẽ khó vượt qua đại nạn nên "bất chấp bán tháo, bán đổ" các tài sản bất động sản. Chưa bao giờ có một thị trường mong manh và dễ vỡ như thế", ông Lập chia sẻ.

Một nguyên nhân khác khiến giá bất động sản Đà Nẵng giảm mạnh là do mức giá đã được đẩy lên quá cao ở giai đoạn trước. Theo ông Lập: Giá bất động sản = Giá trị + Giá kỳ vọng. Kỳ vọng đó không chỉ của riêng người dân, mà còn cả hệ thống kinh tế, chính trị, nhà nước. Với sự kỳ vọng cao vào sự phát triển của Đà Nẵng, giá đất tại đây không thể rẻ.

Bên cạnh những khó khăn của thị trường do dịch bệnh, vị chuyên gia này cũng cho rằng, thời điểm này thực chất đang mang lại cơ hội lớn với các nhà đầu tư có kinh nghiệm và tiềm lực tài chính.

Các nhà đầu tư, chủ đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, vay vốn ngân hàng nhiều, năng lực yếu sẽ buộc phải buông xuôi, nhường "sân khấu" lại cho các doanh nghiệp đủ năng lực.

M&A sẽ là con đường sáng cửa nhất cho thị trường bất động sản hiện nay, ông Lập dự báo.

Bên cạnh đó, xu hướng giảm giá của thị trường bất động sản hiện nay cũng khiến giá bất động sản tiến về gần hơn với giá trị thực. Ông Lập dẫn chứng, lô đường Võ Nguyên Giáp, đối diện nhà hàng Mỹ Hạnh năm 2010 giá 19,5 triệu đồng/m2, đến 2018 có giao dịch 350 triệu đồng/m2. Giá đất sau 8 năm đã tăng gần 20 lần.

"Với giá đất như vậy, nếu không có Covid-19, các nhà đầu tư sẽ không có cơ hội có thể mua đất ở khu vực này hoặc không thể mua được với giá dưới 300 triệu đồng/m2".

Dự báo về tình hình thị trường bất động sản Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Lập cho rằng, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh vẫn là bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng và mặt bằng cho thuê. Các sản phẩm bất động sản thuộc phân khúc này sẽ tiếp đà giảm giá và rao bán nhiều.

Trong khi đó, giá đất nền Đà Nẵng sẽ tiến về sát giá trị thực. Đất nền tại các khu vực thưa dân cư, xa trung tâm sẽ còn giảm giá nhưng dư địa không còn nhiều, vì có nơi đã giảm đến 50% so với đỉnh điểm.

Đất nền khu phía Nam giá sẽ ổn định do tỷ lệ lấp đầy dân cư nhanh nhờ kỳ vọng về làng đại học và hạ tầng hoàn thiện. Đất nền phía Tây phải chờ sự phát triển của khu công nghệ cao và khu công nghiệp mở rộng.

Đối với hoạt động đầu tư bất động sản, theo ông Lập, trong thời gian tới, thị trường M&A sẽ rất nhộn nhịp, nhất là khu vực Quảng Nam. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần có nguồn tài chính mạnh, không phụ thuộc vào việc vay ngân hàng và xác định đầu tư dài hạn. Quan điểm đầu tư là: "An toàn - nhiều tiền nhàn - dài hạn" để tránh những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.

An Chi (The LEADER)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.