Mạnh tay vay tiền để đầu tư bất động sản, nhiều nhà đầu tư “méo mặt” vì đất không bán được còn lãi vay ngày càng tăng cao. Nhận thấy thị trường chưa có dấu hiệu tích cực, nhiều nhà đầu tư chấp nhận cắt lỗ “thoát hàng” để cơ cấu lại tài chính, trang trải khoản nợ.

Nhà đầu tư bất động sản chấp nhận bán lỗ trước thông tin lãi suất vay tiếp tục tăng (hình minh họa)

Cắt lỗ vì sợ gồng lãi

Hay tin lãi suất vay vừa tăng mạnh, chị Thanh Kim (quê Bến tre, trú TP.HCM) cảm thấy nhẹ nhõm vì đã thuyết phục được chồng bán lỗ 2 mảnh đất ở Long An để kịp trả nợ. Vợ chồng chị là những người bị cuốn theo cơn sốt đất ở Long An cuối năm 2021.

Chị Kim cho biết đã mua 2 lô đất nông nghiệp với giá 4,2 tỉ đồng vào tháng 11/2021. Hơn 10 tháng nay, chị Kim và chồng tìm cách để bán đất nhưng không được trong khi số tiền vay ngân hàng để mua đất lên đến 2 tỉ đồng. Lãi càng ngày càng tăng mà nguồn thu nhập của 2 vợ chồng chị không ổn định.

Cuối cùng, vợ chồng chị phải chấp nhận cắt giá sâu, bán 2 mảnh đất với giá 3,8 tỉ, thêm phí môi giới nữa là lỗ gần 500 triệu đồng. Chị Kim nhanh chóng mang tiền đi tất toán khoản nợ còn dư với ngân hàng, chịu phí phạt 1%, số tiền còn lại tích trữ để duy trì việc kinh doanh của gia đình.

Chia sẻ về khoản nợ, chị Kim cho biết, thời điểm vợ chồng chị vay được ưu đãi lãi suất 5,5% trong vòng 3 tháng, sau đó sẽ tính theo lãi suất thả nổi. Theo tư vấn của nhân viên tín dụng ngân hàng, mức lãi chị phải trả sau khi hết ưu đãi sẽ khoảng 6,5-7%/năm. Tương đương khoảng 10 triệu đồng/tháng cùng 33 triệu đồng/tháng tiền gốc.

Tuy nhiên, mức lãi suất liên tục tăng khiến gia đình chị Kim “xoay như chong chóng”, phải cân đối bài toán chi tiêu để đảm bảo khoản nợ với ngân hàng. Thời điểm cuối tháng 9/2022, chị Kim biết tin ngân hàng tăng lãi suất huy động đã hối thúc chồng bán lỗ đất trước khi lãi vay tăng theo, vượt quá khả năng trả nợ.

“500 triệu là con số rất lớn với gia đình tôi, nhưng sợ nếu chần chừ không bán đất thì mức lỗ còn cao hơn nữa, sợ bị ngân hàng siết nhà”, chị Kim chia sẻ.

Lãi suất vay liên tục tăng khiến nhiều nhà đầu tư "vỡ" kế hoạch tài chính (hình minh họa)

Động thái tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước kéo theo các ngân hàng tăng lãi suất huy động. Giới phân tích tài chính cho rằng, động thái này sẽ dẫn đến việc lãi suất vay tăng, dù có độ trễ. Đặc biệt khi room tín dụng của nhiều nhà băng đã cạn.

Đúng như dự đoán của chuyên gia, gần đây các ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất vay. Không riêng các khoản cho vay cá nhân mua nhà, mua xe, ngay cả những khoản vay của doanh nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng chịu chung xu hướng tăng lãi suất này.

Một nhân viên tín dụng ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết, lãi suất cho vay mua nhà của nhà băng này đã tăng thêm thêm 3,9% lên mức 10,59%/năm. Cùng với điều kiện phải mua gói bảo hiểm đi kèm khoản vay, mức lãi suất khách phải trả có thể lên tới 14% năm.

Các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam từng giới thiệu mức lãi suất thấp để thu hút khách hàng nay cũng phải điều chỉnh tăng Ví dụ Shinhan Bank từng ưu đãi cho khách hàng mức lãi suất 4,9%/năm, nhưng nay đã tăng lên 8,2%/năm.

Khó chồng khó chuyện tín dụng – lãi suất

Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thống đốc chỉ ra các nguyên nhân: các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh; lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng. Tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng cũng gây sức ép lên lãi suất tiền đồng.

Lãi suất ngân hàng khó giảm trong thời gian tới (hình minh họa)

Trước diễn biến không mấy khả quan với tình hình tín dụng – lãi suất, các chuyên gia khuyên các nhà đầu tư nhỏ nên thoát hàng sớm để có thể cơ cấu lại tài sản.

Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào việc nới room tín dụng trong giai đoạn cuối năm để kỳ vọng thị trường sẽ khả quan hơn. Một số kỳ vọng tận dụng nguồn tín dụng đổ vào kinh doanh/sản xuất để hỗ trợ cho quá trình đầu tư bất động sản

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, lãi vay với hoạt động kinh doanh, sản xuất cũng có xu hướng tăng nên các doanh nghiệp sẽ phải cân đối lại khoản vay, khả năng phân bổ nguồn tiền cho các phương án đầu tư phụ trợ sẽ khó khăn hơn.

Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang nhận định việc “găm hàng” thời điểm hiện tại không phải là một phương án tốt, đặc biệt là với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.

Chuyên gia cho rằng tác động các chính sách nới room tín dụng đối với thị trường bất động sản là chưa cao. Với việc nhu cầu vốn với các ngành nghề ưu tiên như sản xuất/kinh doanh tăng mạnh vào thời điểm cuối năm thì bất động sản sẽ phải tiếp tục đi tìm nguồn vốn thay thế thay vì trông chờ vào tín dụng ngân hàng.

Bá Di
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.