Theo đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công an là Liên danh Constrexim 1 - Thái Hà, chủ đầu tư không được phép bán trực tiếp cho những người đó mà chỉ bán cho Bộ Công an, sau đó Bộ Công an giao lại nhà cho người mua.
"Bên chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm đến vậy thôi, chúng tôi không được quyền bán. Việc người ta bán căn hộ như thế nào không phải thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Hiện bên Bộ Công an cũng đang kiểm tra rất gay gắt việc này. Nếu như họ biết có căn hộ nào bị bán ra bên ngoài thì có thể bị thu lại", đại diện chủ đầu tư cho biết.
Dự án nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công an.
Về vấn đề người nằm trong diện được mua nhà ở xã hội nhưng bán chênh lại cho người mua khác với giá hàng trăm triệu đồng thông qua hợp đồng ủy quyền, vị đại diện chủ đầu tư này cho biết, những trường hợp này là rất hiếm.
“Chúng tôi nhận việc đóng tiền hộ. Ví dụ như hợp đồng, phiếu thu đều đúng tên chủ hợp đồng giao dịch nhà nhưng người khác nộp tiền. Chúng tôi không biết người nộp tiền là ai mà chỉ biết có người đến đóng tiền đúng theo tên của chủ hợp đồng. Như vậy, cứ có giấy ủy quyền và người đóng tiền thay là chúng tôi nhận thôi.
Đến giờ chúng tôi vẫn chưa phát hiện trường hợp nào. Nếu như xuất hiện những trường hợp như vậy thì sẽ có người bên Bộ Công an giải quyết ngay”, vị đại diện chủ đầu tư khẳng định.
Về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc quản lý Nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án này cho rằng: “Về việc trên các trang mạng rao bán đầy căn hộ nhà ở xã hội, chúng tôi đều biết, thậm chí còn cảnh báo với phía bên Bộ Công an".
Vị đại diện chủ đầu tư này cũng thừa nhận, nhiều trường hợp chủ đầu tư biết rằng có việc mua bán nhà ở xã hội xảy ra, nhưng khi gọi các cá nhân lên thì họ từ chối, nói rằng không bán.
“Tôi nghĩ rằng, dự án nhà ở xã hội nào cũng giống nhau, bởi lợi nhuận dự án này rất cao. Đây là vấn đề nhức nhối của các dự án nhà ở xã hội, nghĩa là những người cần mua nhà thì lại không được mua, người được mua thì lại muốn bán”, vị đại diện này nói.
Về vấn đề hợp đồng ủy quyền có thể gây rủi ro tới phía khách hàng, tuy nhiên trên website dự án chưa hề có một cảnh báo nào đến khách hàng, đại diện chủ đầu tư cũng thừa nhận rằng, những người mua nhà qua hợp đồng ủy quyền chắc chắn sẽ gặp rủi ro.
“Sắp tới, tôi sẽ họp lại với bên công ty để đưa ra cảnh báo đối với người mua".
Điều lạ là dự án được bán tràn lan khá công khai, chủ đầu tư cũng đã biết và đưa ra cảnh báo nội bộ, nhưng tính đến ngày 3/1/2018, trên website của chủ đầu tư dự án này vẫn không hề có một cảnh báo nào đối với người mua nhà.
Ngoài ra, theo đại diện chủ đầu tư, đến nay không có bằng chứng để xử lý cán bộ chiến sỹ công an vì họ từ chối, nói rằng không bán.
Tuy nhiên, trong nội dung hợp đồng ủy quyền mà khách mua nhà đưa chủ đầu tư để ủy quyền cho khách hàng đóng tiền mua nhà có ghi rất rõ: "Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (mang tên bên A - Bên chiến sỹ công an đủ tiêu chuẩn mua nhà - PV) và khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về việc chủ sở hữu được thực hiện các quyền đối với nhà ở xã hội thì bên B được toàn quyền: Quản lý và sử dụng toàn bộ căn hộ nêu trên. Định đoạt, chuyển dịch (bán, cho thuê, cho mượn, trao đổi, tặng cho, thế chấp) căn hộ nói trên theo quy định của pháp luật..."
Nhà ở xã hội là chủ trương chính sách tốt đẹp của nhà nước, nhằm hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn, thu nhập thấp, nhưng với hợp đồng ủy quyền như trên thì rõ ràng, người không đúng đối tượng cũng có quyền được ở và bán nhà ở xã hội như nhà ở thương mại.
-
Nhà ở xã hội cán bộ chiến sỹ Bộ Công an rao bán chênh hàng tỷ đồng
Là đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội, nhưng nhiều chiến sỹ công an sau khi đạt tiêu chuẩn mua nhà lại chuyển nhượng ra bên ngoài với giá chênh hàng trăm triệu đồng/căn dưới hình thức hợp đồng ủy quyền.