Ra giá “bồi thường đất” cho chủ đầu tư! Vụ Ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) huyện Đức Hòa nhận hơn 1 tỷ đồng của doanh nghiệp bằng “hợp đồng kinh tế” gây sự quan tâm dư luận, đặc biệt là những người dân bị thu hồi đất ở Đức Hòa cũng như trên địa bàn tỉnh Long An. Có mặt tại tòa soạn Báo CATP, ông Đỗ Văn Được (bị thu hồi 13.435m2 đất làm dự án Cụm công nghiệp Tân Đô tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa) tiếp tục cung cấp thêm nhiều chứng cứ liên quan đến vụ nhận tiền, trong đó có “bảng


Đại tá thương binh Trần Xuân Trí cùng nhóm bạn hữu kêu cứu vì bị thu hồi đất tại Đức Hòa

"Báo giá" để ấn định tỷ lệ phần trăm

“Bảng báo giá” số 12/BG-BT-GPMT do Trưởng ban BTGPMB huyện Đức Hòa Nguyễn Đa Nhiêm ký gởi Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tân Đô (Cty Tân Đô) vào ngày 8-2-2006. Đây cũng là ngày mà ông Nhiêm và Giám đốc Cty Tân Đô Nguyễn Tất Thắng đặt bút ký vào “hợp đồng kinh tế”. “Bảng báo giá” còn được gởi Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND huyện Đức Hòa...

Trong “bảng báo giá”, ông Nguyễn Đa Nhiêm căn cứ vào quyết định 4936/2005/QĐ-UB ngày 19-12-2005 của UBND tỉnh Long An đưa ra đơn giá cho từng loại đất thuộc hai nhóm. Về nhóm đất nông nghiêp, ông Nhiêm nêu rõ: Có bốn “hạng” theo thứ tự từ “hạng 3” đến “hạng 6”. Trong đó, đất “hạng 3” giá 50.000 đồng/m2; “hạng 4” giá 45.000 đồng/m2; “hạng 5” giá 40.000 đồng/m2 và “hạng 6” giá 35.000 đồng/m2. Về nhóm đất ở, ông Nhiêm không chia “hạng” giá cao thấp tùy thuộc vào vị trí của khu đất. Trong đó, đất ở tiếp giáp kênh An Hạ giá 150.000 đồng/m2; đất ở ven nhánh của các con kênh, sông giá 130.000 đồng/m2.

Trong số 3,095 triệu mét vuông đất (hơn 309 hécta) thu hồi của 240 hộ dân và tổ chức để làm Cụm công nghiệp Tân Đô, theo “bảng báo giá” của ông Nhiêm, có hơn 1,615 triệu mét vuông là đất “hạng 6”, 1,302 triệu là đất “hạng 5” (không có đất “hạng 4” và “hạng 3”); còn lại là đất ở hơn 177.000m2.

Với những con số được đưa ra rất cụ thể, ông Nhiêm đưa ra tổng giá trị bồi thường cho dự án “ước tính” 163 tỷ đồng. Trong đó, tiền bồi thường 3,095 triệu mét vuông đất là 128,28 tỷ đồng; giá trị tài sản trên đất là 12,828 tỷ đồng (ước tính bằng 10% giá trị quyền sử dụng đất). Ngoài ra, chủ đầu tư phải bỏ ra 6,414 tỷ đồng cho các khoản hỗ trợ (ước tính 5% giá trị quyền sử dụng đất); 14,31 tỷ đồng cho “dự phòng phát sinh”; 135 triệu đồng cho khen thưởng di dời. Chưa hết, chủ đầu tư còn phải móc hầu bao 1,032 tỷ đồng cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đức Hòa để làm “kinh phí hoạt động”! Số tiền 1,032 tỷ này được ông Nhiêm “hóa giải” thành khoản tiền “bồi thường” được ghi rõ trong “bảng báo giá” (tương đương 0,7% tổng giá trị bồi thường cho dự án).


Bảng báo giá bồi thường đất do ông Nhiêm ký

Nhận tiền kiểu gì cũng trái pháp luật

Ngày 8-2-2006, Trưởng ban BTGPMB huyện Đức Hòa Nguyễn Đa Nhiêm cùng Giám đốc Cty Tân Đô Nguyễn Tất Thắng ký “Hợp đồng kinh tế” số 48/HĐKT-BT-GPMT. Theo đó, Cty Tân Đô (bên A) trả cho bên B (Ban BTGPMT huyện Đức Hòa) số tiền 1,032 tỷ đồng để bên B thực hiện việc kê biên, lập phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với phần đất bị thu hồi 3,095 triệu mét vuông tại xã Đức Hòa Hạ để làm dự án Cụm công nghiệp Tân Đô.

Có đủ cơ sở để khẳng định: 1,032 tỷ đồng của “hợp đồng kinh tế” thực chất là khoản tiền mà Cty Tân Đô “rót” cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Đức Hòa để làm “kinh phí hoạt động”. Được biết, Hội đồng bồi thường này được thành lập theo quyết định số 541/QĐ-UBND do Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa ký ngày 23-1-2006 gồm 22 thành viên. Trong đó, Chủ tịch Hội đồng bồi thường là Phó chủ tịch UBND huyện Đức Hòa Trần Văn Lành; ba Phó chủ tịch hội đồng là Trưởng ban BTGPMB Nguyễn Đa Nhiêm (thường trực), Trưởng phòng Tài nguyên - Mội trường huyện Nguyễn Thành Nhơn và Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Nguyễn Tiến Dũng. Ủy viên thường trực Hội đồng bồi thường chính là Giám đốc Cty Tân Đô Nguyễn Tất Thắng! Hai phó giám đốc của Cty Tân Đô là Phạm Công Đức và Nguyễn Hùng Vân cùng hai nhân viên Cty Tân Đô là Trần Công Kiên và Đào Thanh Tuyền cùng là thành viên của Hội đồng bồi thường.

Theo “hợp đồng kinh tế” thì số tiền 1,032 tỷ đồng Cty Tân Đô phải thanh toán cho Ban BTGPMB huyện Đức Hòa làm ba đợt để thực hiện nhiều công việc như hai bên đã thỏa thuận. Trong khi theo ông Nguyễn Đa Nhiêm, số tiền này thực chất Cty Tân đô phải “rót” cho Hội đồng bồi thường huyện Đức Hòa dưới dạng “bồi thường” để làm “kinh phí hoạt động”.

Có rất nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Thứ nhất, Ban bồi thường hay Hội đồng bồi thường huyện Đức Hòa đã nhận 1,032 tỷ đồng của Cty Tân Đô? Thứ hai, căn cư vào những quy định pháp luật nào để nhận tiền của chủ dự án? Thứ ba, số tiền lớn này đã được sử dụng như thế nào, có chia cho một số cán bộ liên quan hay không, mỗi người được bao nhiêu? Thứ tư, ngoài Cty Tân Đô, Ban bồi thường hay Hội đồng Bồi thường huyện Đức Hòa đã nhận tiền của bao nhiêu chủ dự án trên địa bàn huyện Đức Hòa, với số tiền cụ thể?...


Một cán bộ đương chức của huyện Đức Hòa tiết lộ, nhiều chủ đầu tư dự án trên địa bàn huyện Đức Hòa đã ký “hợp đồng kinh tế” với số tiền phải chi (theo tỷ lệ 0,7% của tổng giá trị bồi thường dự án) lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nhiều cán bộ trong Ban bồi thường cùng Hội đồng bồi thường huyện Đức Hòa ngoài tiền lương được hưởng theo quy định, còn nhận “bồi dưỡng” hàng tháng với số tiền lớn nhỏ khác nhau, tùy theo chức vụ. Việc nhận “bồi dưỡng” từ khoản tiền thu được của các doanh nghiệp trái quy định pháp luật mà còn gây bất bình trong dư luận cán bộ công chức cũng như quần chúng nhân dân huyện Đức Hòa.

Từ đơn tố cáo của ông Đỗ Văn Được cùng nhiều người dân bị thu hồi đất ở Đức Hòa, một lần nữa đề nghị lãnh đạo tỉnh Long An khẩn trương chỉ đạo làm rõ để lấy lại niềm tin của người dân vào chính quyền....

mặt bằng long an

Cafeland.vn - Theo CATP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland