16/09/2020 1:41 PM
Kết quả thanh tra về quản lý đất đai ở hàng loạt quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức, nhiều nhà dân và dự án lớn mắc sai phạm, xây dựng không phép.

Tốc độ đô thị hóa và dân số phát triển nhanh khiến huyện Bình Chánh (TP.HCM) trở thành điểm nóng về sai phạm trong xây dựng. Trong ảnh: Khu ẩm thực Bình Xuyên, công trình được xác định là xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.

Lãnh đạo TP.HCM không ít lần đặt vấn đề quy hoạch các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi trở thành quận, đồng thời định hình TP. Thủ Đức, vì tốc độ đô thị hóa ở những địa bàn này đang rất cao, cùng với dân số tăng nhanh. Nhưng thực tế đã và đang diễn ra ở những nơi này cho thấy, bài toán giải tỏa đền bù, quy hoạch vùng ven là vô cùng hóc búa.

Những bức tranh nham nhở

Thanh tra TP.HCM vừa công khai kết quả thanh tra về quản lý đất đai ở hàng loạt quận, huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi, Thủ Đức. Không chỉ nhà dân, mà nhiều dự án lớn cũng mắc sai phạm, xây dựng không phép.

Bình Chánh: Băm nát đất nông nghiệp

Huyện Bình Chánh nằm ở phía Tây và phía Nam TP.HCM, gần các quận 7, 8, Bình Tân, huyện Hóc Môn và tỉnh Long An. Huyện này có dân số trên 700.000 người, tốc độ đô thị hóa rất nhanh (mỗi năm tăng thêm 30.000 người). Tháng 2/2020, lãnh đạo huyện này đã kiến nghị TP.HCM xem xét cho phép thành lập thị trấn đối với 4 xã vì đủ điều kiện.

Tốc độ đô thị hóa và dân số phát triển nhanh khiến huyện Bình Chánh trở thành điểm nóng về sai phạm trong xây dựng, từ người dân tới cả dự án bất động sản lớn.

Cụ thể, từ năm 2016 đến tháng 3/2020, theo kết quả thanh tra toàn diện của Thanh tra TP.HCM vừa công bố, hàng loạt dự án bất động sản ở đây mắc sai phạm lớn. Điển hình là Dự án Khu dân cư, Trung tâm thương mại (tên thương mại Amazing City) tại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, chưa hoàn thiện hạ tầng, nhưng chủ đầu tư đã ký hợp đồng bán nền đất ở.

Cụ thể, tại thời điểm thanh tra, chủ đầu tư và các hộ dân đã xây dựng trên phần diện tích đất nông nghiệp 187 căn nhà phố liền kề vườn với quy mô 3 tầng; 225 căn hộ chung cư (trên phần diện tích của 35 nền đất nông nghiệp)... không đúng quy định. Sai phạm tới mức, Thanh tra TP.HCM đánh giá là “vi phạm nghiêm trọng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, thu lợi bất chính, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản...”.

Trong khi đó, theo báo cáo mới đây của UBND huyện Bình Chánh, Dự án Khu dân cư An Hạ (tại xã Phạm Văn Hai) do Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Nhựt Thành làm chủ đầu tư cũng mắc rất nhiều sai phạm, như không đủ điều kiện khởi công, chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính và chưa cấp sổ đỏ cho các hộ dân trong dự án.

Tại xã Bình Hưng, Dự án Khu dân cư Phi Long 5 và Dự án Khu dân cư Hải Yến cùng do Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Phi Long làm chủ đầu tư đã tổ chức thi công xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch được duyệt.

Cũng tại xã Bình Hưng, khu nhà hàng Hương Dừa cũ rộng hơn 15.000 m2 xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, lấn rạch để cho thuê và bán cho các hộ dân. Sau đó, nhà đất ở đây được mua bán giấy tay, chuyển nhượng qua nhiều người, hình thành khu dân cư sinh sống, kinh doanh mua bán. Việc này ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự trong khu vực.

Tương tự, Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng gần 25.000 m2 vốn là đất nông nghiệp, đất trồng cây, kênh rạch, nay đã mọc lên hàng loạt công trình, hạng mục quy mô lớn, gồm bãi giữ ô tô diện tích trên 2.200 m2, bãi giữ xe máy trên 2.300 m2, khu vực phòng VIP rộng 460 m2, khu dành cho thực khách 3.688 m2, khu bếp hơn 1.300 m2, cùng hơn 1.300 m2 khu nhà kho, khu vui chơi trẻ em và khu vệ sinh.

Tại 2 xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B, có hàng chục ngàn mét vuông đất nông nghiệp được các chủ đầu tư phân lô, bán nền, xây dựng không phép hàng trăm căn nhà bán cho nhiều người sử dụng.

Củ Chi: Chính quyền thản nhiên phạm luật

Không thua Bình Chánh, huyện Củ Chi được đánh giá có nhiều tiềm năng về du lịch, công nghiệp và cũng được lãnh đạo TP.HCM đặt vấn đề nâng lên thành quận (tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34, khóa X, ngày 30/11/2019).

Nhưng kết quả thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Củ Chi (từ năm 2016 đến ngày 30/11/2019) mà Thanh tra TP.HCM vừa công bố đã cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng của chính quyền địa phương.

Cụ thể, khi lập kế hoạch sử dụng đất các năm 2016, 2017 và 2018, UBND huyện đã tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác, nhưng chưa thông qua HĐND huyện trước khi trình UBND TP.HCM phê duyệt. “Đây là hành vi bị nghiêm cấm do vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được nêu tại Luật Đất đai năm 2013”, kết luận của Thanh tra TP.HCM nêu rõ.

Chưa hết, cơ quan chức năng huyện Củ Chi còn giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi giải quyết chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt đối với 151 trường hợp. 70 trường hợp cho chuyển mục đích sử dụng đất trong Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi cũng mắc sai phạm.

Ngoài ra, UBND huyện Củ Chi còn cho phép tách thửa đất ở không phù hợp quy hoạch được duyệt, không đúng quy định đối với 23/51 trường hợp không đủ điều kiện, với diện tích 22,8662 ha/46,6231 ha; cho phép tách thửa đất ở không thực hiện đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam đối với 18 trường hợp…

Không chỉ vậy, theo Thanh tra TP.HCM, từ năm 2016 đến 2019, tại huyện này có 643 trường hợp xây dựng không phép và 46 trường hợp xây dựng sai phép. Đặc biệt, việc xây dựng không phép trên đất nông nghiệp đã không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Ðiển hình như vụ bà N.T.C.Ly (xã Bình Mỹ) tự xây dựng không phép thêm 14 hạng mục, với tổng diện tích 10.713 m2. Quá trình xây dựng diễn ra trong thời gian rất dài, nhưng lực lượng chức năng địa phương chậm xử lý, dẫn đến việc công trình vi phạm hiện có tới 20 đơn vị thuê.

Hay như trường hợp ông T.T.Phước (xã Nhuận Ðức) xây dựng công trình sai phép từ năm 2009, nhưng đến năm 2018, các đơn vị có trách nhiệm mới lập biên bản vi phạm, ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Thủ Đức: Trung tâm thành phố tương lai đang ngập tràn sai phạm

Theo kết quả thanh tra toàn diện công tác quản lý sử dụng đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn quận Thủ Đức (giai đoạn 2016 - 2019) của Thanh tra TP.HCM, trong thời gian dài, UBND quận Thủ Đức đã không thực hiện đúng nguyên tắc thống kê, kiểm kê đất đai; chưa tổ chức triển khai cắm mốc giới ngoài thực địa; chưa triệt để xử lý các công trình sai phép, không phép; xác định vị trí đất của 21 trường hợp không đồng bộ, dẫn đến thu tiền sử dụng đất ít hơn quy định.

Đáng lưu ý, có 25 trường hợp giải quyết hồ sơ tách thửa không phù hợp quy hoạch đô thị; 16 trường hợp không xin ý kiến thỏa thuận quy hoạch kiến trúc đô thị của cơ quan quản lý trước khi cho phép tách thửa.

Quận Thủ Đức vốn được xem là quận vùng ven, nhưng mới đây, cùng với quận 2, quận 9, quận Thủ Đức được chấp thuận chủ trương trở thành TP. Thủ Đức. Đáng nói là, một phường của quận Thủ Đức được chọn làm trung tâm của TP. Thủ Đức tương lai.

Một quận nằm trong sự soi chiếu gắt gao của TP.HCM còn sai phạm như vậy, thì việc đảm bảo quy hoạch, trật tự xây dựng ở các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi nhằm ổn định quỹ đất, tạo thuận lợi cho các dự án hình thành những trung tâm trong tương lai là vô cùng hóc búa.

UBND TP.HCM vừa giao Sở Xây dựng thanh kiểm tra về quản lý trật tự xây dựng của các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Củ Chi. Trên cơ sở kết luận của Sở Xây dựng, trường hợp qua kiểm tra xác định có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật của các cá nhân, tổ chức thuộc UBND huyện Củ Chi và có dấu hiệu lừa đảo, vi phạm Bộ luật Hình sự của các cá nhân, tổ chức thì báo cáo UBND TP.HCM để chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM điều tra.

Tại huyện Bình Chánh, Thanh tra TP.HCM kiến nghị Chủ tịch UBND TP.HCM giao cơ quan liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm. Trường hợp có dấu hiệu cố ý làm trái pháp luật, lừa đảo, đầu cơ, thì đề xuất UBND TP.HCM chuyển công an để điều tra.

Tại Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 34, khóa X, ngày 30/11/2019, Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề cho rằng, 10 năm nữa, có lẽ chỉ còn Cần Giờ vẫn là huyện, còn 4 huyện còn lại (Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) sẽ phải tính và nếu thấy cần thiết thì phải có lộ trình 10 năm để huyện thành quận.

Trước đó, năm 2017, sau khi rà soát thực trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng và các tiêu chí, một báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM cho biết, các huyện như Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn chỉ còn thiếu một vài tiêu chí là có thể thành lập quận.

Ngô Nguyên (Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.