Lãnh đạo TP.HCM không ít lần đặt vấn đề quy hoạch các huyện vùng ven như Bình Chánh, Củ Chi trở thành quận, đồng thời định hình TP. Thủ Đức, vì tốc độ đô thị hóa ở những địa bàn này đang rất cao, cùng với dân số tăng nhanh. Nhưng thực tế đã và đang diễn ra ở những nơi này cho thấy, bài toán giải tỏa đền bù, quy hoạch vùng ven là vô cùng hóc búa.
Khu thương mại Tân Nhựt do Công ty Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Ảnh: N.S
Bài 2: Buông lỏng quản lý ngay từ gốc
Với rất nhiều sai phạm được phanh phui, dù viện dẫn lý do này nọ, song chính quyền các huyện vùng ven TP.HCM cũng không thể phủ nhận thực tế là, tất cả xuất phát từ con người, từ khâu quản lý bị buông lỏng, nếu không nói là tiếp tay.
Khi cấp cơ sở… mặc kệ
Sau khi Thanh tra TP.HCM có kết luận chỉ rõ hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai tại nhiều huyện vùng ven, mới đây, chính quyền huyện Bình Chánh (nơi xảy ra nhiều sai phạm lớn) đã có Văn bản số 533 báo cáo về khó khăn trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực trật tự xây dựng.
Tại báo cáo này, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Tài (người ký) cũng đã không thể phủ nhận thực tế về sự buông lỏng quản lý ngay từ cấp cơ sở, khi cho biết, rất nhiều trường hợp vi phạm lớn từ năm 2016 về trước không được phát hiện tại thời điểm phát sinh vụ việc. Nguyên nhân là UBND các xã đã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập biên bản ngay tại thời điểm vi phạm; không lập hồ sơ xử lý, không báo cáo, dẫn đến không có hồ sơ bàn giao để tiếp tục xử lý…
Điển hình và đang là tâm điểm bức xúc về quản lý nhà nước là Dự án Khu dân cư, Trung tâm thương mại Amazing City tại xã Tân Nhựt do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. Dự án chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở, nhưng đã phân lô bán nền và trên phần diện tích đất nông nghiệp đã có 187 căn nhà phố liền kề, 225 căn hộ chung cư được xây dựng.
Hay như Khu ẩm thực Bình Xuyên rộng gần 25.000 m2, trong 17 năm qua, chủ đầu tư đã lấn chiếm đất phi nông nghiệp, đất rạch, tự ý chuyển hơn 13.500 m2 đất trồng lúa và hơn 6.000 m2 đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp, rồi xây dựng nhà hàng lớn. Thế mà sai phạm này không hề có trong… hồ sơ của chính quyền địa phương.
Còn trường hợp nhà hàng Hương Dừa tại xã Bình Hưng, chủ đất vi phạm từ năm 2005 và đưa công trình vào sử dụng từ năm 2013, nhưng địa phương không báo cáo, không lập hồ sơ đầy đủ, không bàn giao chuyển tiếp xử lý.
Mặt khác, phần lớn các vụ xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, nhưng việc lập hồ sơ chỉ đề cập lĩnh vực xây dựng, không xử lý hành vi sử dụng đất không đúng mục đích, nên cơ quan chức năng sau này không xác định được vị trí để xử lý triệt để.
Đó là chưa nói hiện tượng “bật xi nhan” khi để các công trình hoàn thành tới 80%, đội thanh tra địa bàn mới đi kiểm tra để có lý do khó khăn cho cả đôi bên nếu…cưỡng chế.
Do đó, ngoài sai phạm được Thanh tra TP.HCM công bố (chỉ mới giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 3/2020), huyện Bình Chánh còn phải tiếp tục rà soát những công trình vi phạm từ giai đoạn trước đó để xử lý.
Theo Thanh tra TP.HCM, chính việc các cơ quan quản lý địa phương không chủ động xử lý ngay từ đầu, để người dân tự chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nên mới gây ra hậu quả lớn và khó xử lý về sau.
Sai phạm có hệ thống
Khi cấp cơ sở hoặc tiếp tay, hoặc buông lỏng quản lý, thì cấp quản lý cao hơn cũng… mặc kệ, nên sai phạm có tính hệ thống.
Theo Thanh tra TP.HCM, với huyện Củ Chi, để xảy ra các thiếu sót, vi phạm về quản lý đất đai, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thuộc về Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, Phó chủ tịch UBND huyện phụ trách địa chính - xây dựng. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về lãnh đạo các đơn vị: Phòng Tài nguyên và Môi trường; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Tài chính; Thanh tra huyện; Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Củ Chi; UBND các xã Bình Mỹ, Thái Mỹ, Tân Thạnh Tây, Tân Thông Hội và các đơn vị, cá nhân có liên quan tại thời kỳ phát sinh vụ việc.
Còn về sai phạm ở huyện Bình Chánh, Thanh tra TP.HCM chỉ rõ, trách nhiệm thuộc Chủ tịch, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực của UBND huyện; UBND các xã Bình Hưng, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Nhựt; Đội Thanh tra địa bàn huyện Bình Chánh và các tổ chức cá nhân có liên quan trong thời kỳ phát sinh vụ việc trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, chỉ đạo và chỉ đạo thiếu cương quyết để xảy ra các sai phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai, chuyển nhượng đất, nhà ở, căn hộ, cho thuê căn hộ nhà trọ, để công trình sai phạm còn tồn tại kéo dài tại các khu đất.
Mọi việc bắt nguồn từ nhân sự
Tại báo cáo mới đây với cơ quan chức năng, UBND huyện Bình Chánh cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn tới sai phạm về đất đai còn do thiếu nhân sự. Cụ thể, với diện tích hơn 25.250 ha, gồm 15 xã, 1 thị trấn, 101 ấp, 5 khu phố, 1.778 tổ nhân dân, 65 tổ khu phố, cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng quá nhanh (30.000 người/năm), bộ máy quản lý ở địa phương này đã không còn theo kịp sự phát triển và yêu cầu nhiệm vụ. Tính bình quân, một công chức phải phục vụ giải quyết nhu cầu địa chính - xây dựng cho hơn 40.000 người dân và quản lý 600 ha đất. Vấn đề này dẫn tới nhiều hạn chế trong quản lý nhà nước ở địa phương, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng.
Lập tổ công tác xử lý sai phạm tại Bình Chánh
UBND TP.HCM vừa giao UBND huyện Bình Chánh chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thành lập Tổ công tác xây dựng quy trình phối hợp xử lý công trình vi phạm về đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh. Việc phối hợp xử lý này phải mang tính trọng tâm, đảm bảo các yêu cầu về chuẩn bị lực lượng, cơ sở vật chất, tài chính…
Ngoài ra, Tổ công tác cũng cần xây dựng các tình huống, kịch bản có thể xảy ra trong quá trình cưỡng chế. Theo đó, Tổ công tác thực hiện việc cưỡng chế phải đảm bảo các nội dung về tuyên truyền vận động, tổ chức cưỡng chế, các công tác thực hiện sau cưỡng chế.
Trong khi đó, huyện Củ Chi cũng không thua về tốc độ đô thị hóa, cũng nằm trong “top” các huyện được tính lên quận, như Bình Chánh, nhưng thay vì than quá tải, Thanh tra TP.HCM phát hiện, huyện này rất “sốt sắng” khi tự ý điều chỉnh phân bổ chỉ tiêu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở từ xã này sang xã khác; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, cho tách thửa đất không phù hợp quy hoạch…
Trái ngược với sự sốt sắng… phạm luật của chính quyền Củ Chi, tại công bố kết luận thanh tra hồi tháng 8/2020, Thanh tra TP.HCM cho hay, cơ quan chức năng huyện Hóc Môn lại… “ngâm tôm” hồ sơ thủ tục đất đai.
Cụ thể, năm 2017, huyện Hóc Môn giải quyết hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và hồ sơ tách thửa đất trễ hạn với tỷ lệ rất cao, từ 82% đến 100%; số ngày trễ hạn nhiều, có trường hợp trễ 323 ngày, trong khi số lượng hồ sơ cần giải quyết trong năm không nhiều (chỉ có 28 hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, 25 hồ sơ tách thửa đất).
Cơ quan chức năng TP.HCM xác định, lý do dẫn đến tỷ lệ hồ sơ nhà đất của dân bị trễ hẹn 82% có liên quan đến một số chỉ đạo của cơ quan chức năng địa phương sai quy định, như Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hóc Môn ban hành văn bản gửi người dân yêu cầu phải bổ sung giấy tờ chứng minh nhu cầu về nhà ở là không phù hợp với quy định pháp luật.
Tỷ lệ trễ hẹn hồ sơ lên tới 100%, do sự chậm trễ về tham mưu của Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị và Văn phòng UBND huyện Hóc Môn (có hồ sơ trễ đến 57 ngày).
Giải trình của UBND huyện Hóc Môn cho rằng, việc trễ hạn do năm 2017 là năm đầu tiên huyện tập trung khắc phục các sai phạm, hạn chế về quản lý đất đai, xây dựng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và Thanh tra TP.HCM. Tuy nhiên, theo Thanh tra TP.HCM, nguyên nhân còn bởi cán bộ, công chức huyện này tham mưu giải quyết vụ việc chưa tập trung, nỗ lực chưa cao. Sau đó, trong năm 2018 và năm 2019, UBND huyện Hóc Môn đã cơ bản khắc phục được tình trạng trễ hạn, với tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt trên 98%.
Điểm lại, cùng tốc độ đô thị hóa cao, cùng có chung “điểm nóng” đất đai và đều nằm trong “tầm ngắm” lên quận, nhưng 3 huyện vùng ven nêu trên viện dẫn những lý do rất khác nhau cho sai phạm của mình. Huyện thì đổ lỗi cho quá tải, nơi quá sốt sắng, chỗ thì đổ cho… việc tập trung sửa sai - những lý do không thuyết phục dư luận. Thực chất, tất cả là do ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức địa phương.
(Còn tiếp)
-
“Xé rào” xây nhà trên đất nông nghiệp, TP.HCM giao công an điều tra
CafeLand - Thanh tra TP.HCM vừa thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh từ tháng 1/2016 đến tháng 3/2020.