10/11/2017 7:31 AM
Tăng trưởng hàng không ngoài dự kiến, trong khi hạ tầng cho giao thông khu vực lân cận chưa phát triển tương ứng khiến khu vực xung quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) thường xuyên quá tải. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất ý kiến với lãnh đạo TP nhưng trái chiều nhau.
TSN đã quá tải
Ông Lê Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết vấn đề cốt yếu là đất dành cho giao thông quá thấp, TPHCM hiện nay chỉ có 8,5% đất dành cho sân bay trên đất quy chuẩn đô thị, trong khi theo chuẩn các đô thị phát triển quy định là 24-26%. Mật độ phương tiện giao thông quá cao, hơn 8 triệu xe máy, 640.000 xe ô tô làm lưu lượng quá tải.
Theo nhận định của Sở GTVT, việc đưa vào vận hành cầu vượt Trường Sơn vừa qua chỉ góp phần giảm bớt ùn tắc giao thông, nhưng chưa giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc tại khu vực sân bay TSN. Theo Quy hoạch ngành hàng không đến năm 2020, lượng hành khách qua sân bay TSN dự kiến đạt 25 triệu lượt khách/năm. Theo Cảng vụ hàng không Miền Nam, chỉ trong năm 2016 sân bay TSN đã phục vụ hơn 32 triệu lượt khách, tăng hơn 5,5 triệu lượt so với năm 2015, vượt 30% công suất thiết kế.
Ông Lê Văn Lành (Viện Nghiên cứu phát triển TP), cho rằng với dự báo gần 40 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2018, mỗi ngày có hơn 100.000 hành khách đi đến sân bay TSN, và nếu không hạn chế người đưa đón có đến 400.000-500.000 người đến sân bay. Chỉ cần 20% số người này dùng phương tiện xe cá nhân thì sẽ không thể đáp ứng được chỗ gửi xe.
TS. Võ Kim Cương, nguyên kiến trúc sư trưởng TPHCM, cho rằng vấn đề mở rộng sân bay, bãi đỗ và cải tạo hệ thống giao thông khu vực quanh sân bay TSN đã được bàn cãi nhiều và đã có nhiều phương án kỹ thuật. Tuy nhiên, vấn đề giao thông khu vực này không chỉ là lượng xe cộ ra vào sân bay mà còn liên quan đến lưu lượng xe rất lớn giao thông xuyên qua khu vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng, “chiếc áo” TSN hiện nay đã quá tải do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả bên trong và bên ngoài nên các giải pháp đặt ra vừa có tính cấp bách nhưng lại không bền vững.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực sân bay TSN vẫn là bài toán nan giải.

Cần tiếp cận vấn đề một cách khoa học
TS. Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM, trước mắt cần tạo hướng tiếp cận hợp lý từ khu vực trung tâm TP, thông qua việc kéo dài cầu vượt Trường Sơn thành đường trên cao đến khu vực công viên Hoàng Văn Thụ tới vị trí hợp lý thì đáp xuống đường Nguyễn Văn Trỗi .
Việc xây dựng đường trên cao này sẽ giúp cải thiện đáng kể giao thông khu vực công viên Hoàng Văn Thụ. Đồng ý với quan điểm này, TS. Nguyễn Minh Hòa cho rằng phương án này không phải giải tỏa nhà dân, rất hiệu quả, đường trên cao và mặt đất có thể làm hai chiều, một ra một vào sân bay tạo thành vòng xoay chuyển liên tục để hạn chế kẹt xe.
TS. Võ Kim Cương đế xuất mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay; mượn đường qua doanh trại Quân khu 7; mượn đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng. Tuy nhiên, 3 giải pháp này không nằm trong tay TP mà cần kiến nghị Thủ tướng để giải quyết.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cho rằng đường Trường Sơn bị quá tải vì mượn đường, chứ không phải nhiều xe ra vào sân bay. Cầu vượt TSN không nằm vào mục tiêu giảm ùn tắc và chỉ giải quyết nhu cầu vào chứ không ra.
TS. Lương Hoài Nam cho rằng, cách tiếp cận vấn đề để giải quyết bài toán giao thông trong và ngoài sân bay TSN hiện nay có phần “rối”. Theo TS. Nam, Cục hàng không và Bộ GTVT mới ký hợp đồng thuê tư vấn nước ngoài làm quy hoạch mở rộng sân bay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM cũng đã lập nhóm chuyên gia và đề xuất mở rộng sân bay. Nên cách tiếp cận như vậy sẽ làm cho vấn đề rối cả về cách làm và dư luận. Về việc có cần mở thêm đường băng thứ 3 như nhiều ý kiến đề xuất hay không?
Ông Nam cho rằng không cần thiết. Sân bay TSN hai đường băng cách nhau 365m giới hạn 38 chuyến bay/giờ, trong khi đó sân bay Dubai hai đường băng cách nhau 385m giới hạn 62 chuyến bay/giờ. Do đó TS. Nam đề xuất tăng giới hạn khai thác hai đường băng hiện có của TSN lên 54-56 chuyến bay/giờ bằng các giải pháp kỹ thuật đồng bộ là khả thi.
Theo SGĐTTC
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.