Khu DA đã được đền bù với số tiền hàng chục tỷ đồng.
Thông tin DA bị… lộ?
Thực hiện Chương trình “Phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, năm 1991, người dân thôn Bơn, thôn Nghe Trong, thôn Rùa… (xã Vân Hòa) được chính quyền giao đất với thời hạn 30 năm.
Đến năm 2008, một số người biết thông tin DA đã về mua gom đất của dân với giá rẻ. Cụ thể, năm 2008, ông Nguyễn Hữu Đạt (trú thôn Việt Hòa, xã Vân Hòa) mua của ông Lê Văn Thiệp và bà Đinh Thị Khoai (ở thôn Nghe Trong) hơn 4,1ha với giá 90 triệu đồng/ha. Việc mua bán giữa các bên chỉ có giấy viết tay...
Ngày 18.11.2008, DA được Bộ Công an phê duyệt với tổng diện tích gần 20ha. Ngày 15.11.2011, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội phối hợp UBND huyện Ba Vì và Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tổ chức hội nghị công bố và bàn giao quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm Huấn luyện V15 - Bộ Công an tại thôn Nghe Trong, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì. Điều đáng nói là việc mua bán đất giữa ông Nguyễn Hữu Đạt với bà Đinh Thị Khoai, ông Lê Văn Thiệp (năm 2008) đúng diện tích DA lấy vào.
Các giấy tờ mua bán chuyển nhượng chỉ viết tay loằng ngoằng, nhiều chỗ gạch xóa, nhưng sau đó vẫn được cơ quan chức năng huyện Ba Vì chứng nhận sang tên chuyển nhượng vào ngày 9.9.2010 và UBND huyện cấp sổ đỏ cho đất lâm nghiệp cùng ngày. Không chỉ phần đất ông Đạt mua được cấp sổ đỏ, mà bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Phùng Thị Yến, ông Phùng Văn Hải và bà Đặng Thị Hằng (cùng trú tại thôn Thanh Vị, xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) mua đất lâm nghiệp tại đây cũng được UBND huyện Ba Vì cấp sổ đỏ ngày 9.9.2010…
Theo bảng tổng hợp phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng do UBND huyện Ba Vì (lập ngày 31.12.2013), tổng kinh phí đền bù, hỗ trợ được phê duyệt hơn 43 tỷ đồng, với giá đất có sổ đỏ là 350.000 đồng/m2 (350 triệu đồng/ha), trong đó ông Đạt và một số người khác được đền bù trên dưới 31 tỷ đồng.
Sau khi bán đất, thấy phương án đền bù lên tới tiền tỷ, diện tích đất (đã bán) lại nằm trọn trong phạm vi DA, nhiều người dân nghi ngờ DA đã bị lộ quy hoạch!
Không có hồ sơ vẫn được chuyển mục đích sử dụng đất
Ngay khi Bộ Công an đã phê duyệt, tại khu vực DA có tới 7 phương án đền bù đất thổ cư. Theo tìm hiểu của phóng viên, 7 phương án nói trên là đất rừng được mua lại của một số hộ dân thôn Bơn năm 2002-2003, sau đó được cấp sổ đỏ đất thổ cư năm 2004, do ông Hà Xuân Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện ký; tổng diện tích là 35.683m2, đứng tên các ông bà Nguyễn Hữu Đạt, Nguyễn Hữu Quyết, Nguyễn Phúc Hải, Cấn Thị Hằng, Phùng Thị Tuấn Anh, Phùng Văn Quân, Nguyễn Thị Lan. Tuy nhiên khi chúng tôi đề nghị cho xem hồ sơ cấp sổ đỏ đất thổ cư của 7 trường hợp trên, ông Nguyễn Mạnh Sơn - Trưởng phòng TNMT huyện Ba Vì khẳng định không có hồ sơ. “Trước đây khu vực này là miền núi dân tộc, nên… khi cấp làm gì có hồ sơ!” – ông Sơn nói…
Trao đổi với NTNN, ông Lê Văn Minh – Chủ tịch UBND huyện Ba Vì cho biết: Tôi cũng mới nghe thông tin thôi. Về nguồn gốc, hồ sơ đất đai, theo phân cấp do chủ tịch xã chịu trách nhiệm, còn trên này (UBND huyện) chỉ quản lý về mặt hồ sơ, quy hoạch và thẩm quyền cấp sổ đỏ thôi… Tiếp tục “truy nguyên” nguồn gốc hồ sơ 7 sổ đỏ nói trên, ông Hoàng Văn Lộc - Chủ tịch UBND xã Vân Hòa nói rằng:
Tôi mới làm chủ tịch được 3 năm nên việc cấp sổ đỏ trước đây tôi không rõ. Còn ông Nguyễn Văn Luyện - cán bộ địa chính xã thẳng thắn: Tôi cũng mới lên thay anh Bùi Bình (cán bộ địa chính cũ) được mấy tháng nên không biết gì. Ông Luyện nói rằng “hồ sơ bàn giao lại không có nhiều (ngoài mấy tờ bản đồ 299), sổ địa chính cũng chẳng thấy ghi nội dung gì cả”. Vẫn theo ông Luyện, bản đồ 299 của xã Vân Hòa không có giá trị pháp lý vì… không có dấu của cơ quan có thẩm quyền xác nhận!
Nếu đúng vậy, không biết UBND huyện Ba Vì dựa vào đâu để xác nhận quyền sử dụng đất, cấp sổ đỏ đất thổ cư cho người dân? Câu hỏi này chỉ người trong cuộc mới nắm rõ!