Một lô đất khoảng 100m2 ở vị trí góc được hét giá bốn tỷ đồng
Nhộn nhịp vì… “cò”
Hiện đất thổ cư ở một số tuyến đường thuộc xã Long An được rao giá 140 - 200 triệu đồng/nền từ 80 - 100m2. Vào một nhà dân với tấm bảng bán đất thổ cư treo trước cổng, người viết được một phụ nữ lớn tuổi cho biết, khoảng một tháng nay, giá đất ở đây được rao bán cao hơn gấp mấy lần so với trước. “Thấy người ta rao bán giá cao, cần tiền cho con cái làm ăn nên tôi cũng treo bảng bán năm lô. Giá mỗi lô khoảng 150 triệu đồng”, người phụ nữ nói. Bà cho biết thêm, dù treo bảng rao bán đất cả tháng nay song rất hiếm người hỏi mua, chủ yếu là "cò" đến dò giá.
Gọi cho một "cò" đất theo số điện thoại ghi trên tấm biển treo trên đường Giải Phóng, một trong những con đường dự kiến đi vào sân bay Long Thành, anh này cho biết, đất anh bán cách xã Long An 3km giá 140 triệu, diện tích 80m2, sổ đỏ, thổ cư 100% và bao sang tên. Mức giá này đã được anh tăng từ 120 triệu lên 140 triệu so với thời điểm cách đây khoảng một tháng.
Các khu đất nằm ở các tuyến đường, vị trí gần sân bay hơn như dọc hai bên tuyến ĐT769 đoạn qua địa bàn các xã Bình Sơn, Lộc An (huyện Long Thành), giá bán còn cao hơn.
Theo “cò đất” tên Thanh, một mảnh đất mặt tiền ĐT769 ở xã Lộc An (đoạn giáp ranh với QL51) sẽ dao động từ 200-250 triệu đồng/m ngang. Anh này giới thiệu, hiện có một mảnh đất rất "ngon", mặt tiền đường nhựa thông ra QL51, giáp ranh với dự án sân bay Long Thành, mà giá rất mềm, chỉ khoảng ba tỷ đồng cho 5.500m2.
Theo lý giải của Thanh, giá mềm là do mảnh đất có mặt tiền 45m, rất thuận tiện để mở khách sạn, hoặc phân lô bán nền. Giá đất ở đây tăng hàng ngày. Miếng này cách đây một tháng được rao chỉ khoảng 2,5 tỷ. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi cặn kẽ về tình trạng pháp lý của mảnh đất, Thanh cho hay, mảnh đất chỉ có 300m2 là đất thổ cư, còn lại là đất vườn.
Với đất dự án, hiện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng đang tích cực đưa khách đi xem dự án để bán nền. Lợi thế của các doanh nghiệp trong việc quảng bá là hiện tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch khu vực hậu cần, dịch vụ với diện tích 21.000ha quanh khu vực xây dựng sân bay, nên sẽ không có thêm dự án mới trong khu vực này. Cuối tuần qua, nhiều doanh nghiệp cho xe chở khách đi xem đất khá nhộn nhịp. Nhân viên môi giới không quên liên tục giới thiệu về tiềm năng của dự án, về kế hoạch xây dựng sân bay cũng như những hạng mục sẽ hình thành trong tương lai nhằm thuyết phục khách hàng.
Phối cảnh cảng hàng không Long Thành
Khó bán vẫn đẩy giá lên
Theo ông Trần Đức Phương, Tổng giám đốc Công ty bất động sản Nam Tiến, đơn vị chuyên khai thác thị trường Long Thành, vào thời điểm 2009, Nam Tiến bán dự án đầu tiên chỉ với giá hai triệu đồng/m2, tuy nhiên, hiện doanh nghiệp này đang bán dự án thứ tư với giá năm triệu đồng/m2. Đây là mức tăng do doanh nghiệp tạo ra chứ thực tế nhà đầu tư khó mà bán ra với giá đó để thu hồi vốn cũng như hiện thực hóa lợi nhuận. Trong buổi tham quan dự án cuối tuần qua, nhân viên môi giới dự án cho biết, các nền quay ra đường chính (đường vào sân bay, rộng 32m) chỉ còn một nền rao bán lại với giá "bèo" 1,2 tỷ đồng, trong khi trước đó nó được chủ đầu tư bán ra với giá khoảng 750 triệu đồng. Một số căn góc thậm chí còn được nhà đầu tư rao nhượng lại với giá bốn tỷ đồng.
Thực chất, hầu hết mọi người đến Long Thành mua đất, kể cả đất lẻ lẫn đất dự án, đều là nhà đầu tư với kỳ vọng kiếm lời khi dự án sân bay đi vào hoạt động.
Anh H. ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) dự định mua một lô đất nền dự án để đầu tư hoặc mở nhà hàng. Tuy nhiên, sau khi tìm được một lô góc ưng ý và bị hét bốn tỷ đồng chắc giá, anh đã bỏ luôn kế hoạch làm giàu. Tương tự, bà T. sau khi quan sát xung quanh với bạt ngàn vườn mì, điều và cao su… đã tạm gác ý định đầu tư để tiếp tục nghe ngóng vì giá bị đẩy lên cao, khó mà có lời trong tương lai. Ông Nhân (Q.7, TP.HCM), người có ý định đầu tư đất nền tại đây nói: “Khoảng hai, ba trăm triệu đồng/nền thì tôi sẽ mua khoảng hai nền để đấy cầu may, chứ hơn một tỷ thì tôi không chọn, bởi dự án này chưa biết khi nào mới khởi công mà đầu tư một đống tiền vào đây thì hơi phiêu. Năm bảy năm nữa may ra sân bay mới hình thành, lúc đó chắc gì giá đất sẽ tăng nữa, trong khi hiện nó đã được đẩy lên gần gấp đôi”.
Ngay cả vị tổng giám đốc Nam Tiến cũng thừa nhận, đất Long Thành hiện đang sốt ảo. Thống kê của Nam Tiến cho thấy, có đến 90% là nhà đầu tư đến đây mua đất, trong đó TP.HCM chiếm 70%. Vị này cũng thẳng thắn cho rằng, thời điểm năm 2009, 1ha đất nông nghiệp ở đây khoảng 1,5 tỷ đồng, tuy nhiên hiện đã lên khoảng năm tỷ đồng. Mua rồi để đó, chứ cũng chẳng làm được gì bởi chính quyền Long Thành hiện tạm ngưng cấp phép dự án đất nền cũng như các công trình lớn để đảm bảo quy hoạch sân bay. Do đó, việc đầu tư đất ở khu vực này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, nếu không, nhà đầu tư có thể lâm vào cảnh bị chôn vốn hoặc phải bán đổ bán tháo.