Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Ấn Độ (IISc) phối hợp với Tổ chức Nghiên cứu Vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phát triển công thức chế tạo 'viên gạch vi khuẩn' để sử dụng xây nhà trên sao Hỏa.

Mới đây, phương pháp sản xuất những viên gạch không gian này đã được đề cập trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One.

Những viên gạch vi khuẩn này có thể được sử dụng để xây dựng nhà trên sao Hỏa

Theo đó, loại vữa làm nên viên gạch này được tạo ra bằng cách kết hợp đất sao Hỏa với một loại vi khuẩn có tên là Sporosarcina pasteurii, urê và niken clorua (NiCl2). Hỗn hợp này được đổ vào khuôn với bất kỳ hình dạng mong muốn nào, và trong vài ngày, vi khuẩn sẽ chuyển ure thành các tinh thể canxi cacbonat. Các tinh thể này, cùng với các chất tạo màng sinh học do vi khuẩn tiết ra, hoạt động như xi măng giữ các hạt đất lại với nhau.

Đây không phải là đề xuất kỳ lạ đầu tiên về vật liệu xây dựng trên sao Hỏa. Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, ưu điểm của phương pháp này là làm giảm độ xốp của gạch, đây là điểm tốt so với các phương pháp khác được sử dụng để cố kết đất sao Hỏa thành gạch.

Theo đó, loại vật liệu xây dựng mới này có thể sử dụng như một chất gắn kết đất sao Hỏa và xây công trình cho các nhiệm vụ đến hành tinh đỏ trong tương lai.

Nhóm chuyên gia ISRO đặt mục tiêu phóng những viên gạch vi khuẩn lên không gian theo một nhiệm vụ của ISRO trong tương lai. Bằng cách này, họ có thể nghiên cứu các đặc tính của vật liệu mới trong môi trường vi trọng lực, sau đó đánh giá xem nó có phù hợp để trải qua hành trình dài cùng các phi hành gia tới sao Hỏa hay không.

Hiện nay, NASA đang lên kế hoạch đưa người lên sao Hỏa khoảng những năm 2030. Bên cạnh đó, SpaceX cũng đang nỗ lực phát triển phương tiện phóng tái sử dụng Starship, dự định phóng lên Mặt Trăng, tiếp theo là sao Hỏa.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.