Ảnh minh họa: Internet
Cục trưởng Quản lý Nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng giải thích, sở dĩ quy định như vậy để đảm bảo nếu chủ đầu tư không bàn giao nhà theo đúng cam kết thì phía ngân hàng sẽ trả lại tiền gốc cho người dân. Đây là một trong những yếu tố giúp khách hàng không phải lo ngại góp tiền cho chủ đầu tư và có thể mất trắng.
Đón nhận thông tin này, đương nhiên người mua nhà tỏ ra hồ hởi, yên tâm. Thực tế lâu nay, người góp tiền mua nhà ở bằng hợp đồng trên giấy thường gặp rủi ro vì chủ đầu tư luôn “nắm đằng chuôi”. Nhiều trường hợp chủ đầu tư “ẵm” cả đống tiền của khách hàng rồi “lặn mất tăm”. Dự án “treo” hàng năm trời, người mua không biết kêu ai, kiện ai. Không ít dự án chỉ được động thổ ồn ào, chưa xây móng, song đã được các “chuyên gia” môi giới quảng cáo rầm rộ nhằm lôi kéo người mua. Liệu luật mới có hạn chế được tình trạng những chủ đầu tư không có khả năng tài chính, đồng thời đảm bảo đồng tiền của người mua khi đóng vào dự án?
Dù luật này chưa đi vào cuộc sống, nhưng một số tổng giám đốc, công ty kinh doanh bất động sản tỏ ra quan ngại về mức phí nộp bảo lãnh. Giả sử, một căn hộ trị giá 2 tỷ đồng, ngân hàng tính phí khoảng 2% tổng giá trị, thì sẽ làm tăng giá mỗi căn hộ lên hàng trăm triệu đồng. Như vậy, chủ đầu tư buộc phải đưa chi phí này vào giá bán và sẽ làm đội giá thành.
Các dự án nếu đã đủ các điều kiện theo quy định của luật để được bán nhà hình thành trong tương lai, thì chủ đầu tư cũng không cần phải bảo lãnh. Trong thực tế, dự án cần bảo lãnh để bán nhà lại chưa đủ điều kiện, song chủ đầu tư rất cần huy động vốn để triển khai. Điều băn khoăn của các doanh nghiệp là, nếu chi phí cao họ lấy đâu ra tiền mà đóng? Còn nếu thu phí ít, tất nhiên ngân hàng thương mại chẳng thiết tha gì.
Dù rằng mục tiêu là giúp người mua nhà “nắm đằng chuôi”, song vẫn cần cân nhắc kỹ. Bản thân nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng thừa nhận rằng, phí bảo lãnh sẽ được họ cộng thêm vào chi phí đầu vào. Tất cả các khoản phí đều được cộng vào giá thành. Cuối cùng, mọi loại phí đều đổ lên đầu người mua nhà. Câu hỏi: Ai sẽ “nắm đằng chuôi” thật khó trả lời thỏa đáng.