01/04/2012 1:32 AM
Thị trường BĐS vẫn đang nằm bất động. Năm vừa qua, hàng loạt các công ty BĐS đã phá sản, hàng loạt công ty đang “chết lâm sàng”. Dự báo trong quý 2, 3 năm nay sẽ còn khốc liệt hơn nữa và rơi vào một bi kịch chưa từng xảy ra. Phục hồi thị trường BĐS đang là yêu cầu cấp thiết, song điều khiến dư luận lo ngại là liệu có thể “cứu” được thị trường bất động sản hay không và ai sẽ “cứu” thị trường này?
Ai ‘‘cứu” thị trường bất động sản?

Chỉ còn nước phá sản

Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện số tiền mặt mà nhóm BĐS, xây dựng đang niêm yết nắm giữ khoảng 9.000 tỷ đồng, nhưng số nợ vay đã lên 200.000 tỷ đồng. Với lãi suất bình quân khoảng 20-22%/năm hiện nay, mỗi quý nhóm doanh nghiệp này phải trả lãi khoảng 7.000 tỷ đồng. Như vậy số tiền mặt chỉ đủ trả lãi vay trong quý 2. Trong năm 2011, hàng loạt các doanh nghiệp giải thể nằm trong nhóm dễ sinh, dễ tử với vốn điều lệ ít, khi thị trường lao dốc, buộc phải đóng cửa. Số còn lại thì hiện đến 60-70% đang đắp chiếu, dự án không bán được dù đã hạ giá liên tục nhưng mỗi tháng mỗi DN vẫn mất 50-60 tỷ đồng chi phí điều hành, trả lãi ngân hàng… Số này cũng không cầm cự được lâu nữa, chỉ trong quý II, III, số DN địa ốc phá sản sẽ tăng lên hàng loạt.


Miếng bánh đã hết


Điều gì sẽ xảy ra nếu doanh nghiệp không may phá sản. Theo các luật sư, khi phá sản thì toàn bộ tài sản sẽ bị phát mại để trả cho các chủ nợ có bảo đảm trong trường hợp sổ đỏ đã được thế chấp cho ngân hàng thì ngân hàng sẽ là chủ nợ có bảo đảm. Còn đối với khách hàng đã ký hợp đồng góp vốn, mua bán nhà là những chủ nợ không có bảo đảm cho nên về nguyên tắc những tài sản mà doanh nghiệp khi phá sản thì tài sản sẽ được trả nợ cho chủ nợ có bảo đảm sau khi ký thủ tục phá sản sẽ trả lương, trả nợ bảo hiểm cho doanh nghiệp sẽ ưu tiên trả chủ nợ có bảo đảm, nếu còn mới đến lượt các chủ nợ không có bảo đảm. Nguy cơ mất mát với khách hàng là rất lớn bởi tài sản mà doanh nghiệp còn khó có thể đủ để trả hết được cho khách hàng. Miếng bánh dành cho chủ nợ không có bảo đảm sẽ còn rất nhỏ thậm chí là bằng 0 cho nên rủi ro, thiệt hại sẽ rất lớn. Trong trường hợp chủ đầu tư dự án phá sản, thì các khách hàng, người mua nhà sẽ khó thu hồi phần vốn góp bởi miếng bánh đã bị chia hết cho các chủ nợ đảm bảo - đó là các ngân hàng.


Trao đổi tại diễn đàn về triển vọng kinh tế 2012, ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính cho rằng, điều Chính phủ lo nhất hiện nay là nợ xấu cho vay bất động sản. Rủi ro từ khu vực bất động sản với ngân hàng là rất lớn nên sự phục hồi của thị trường bất động sản không chỉ là giải pháp cho ngân hàng mà còn cho các lĩnh vực kinh tế khác.


Phải “cứu”, nhưng…


Sau một thời gian dài chờ đợi, biện pháp cứu thị trường BĐS khỏi cơn nguy khó đã được Nhà nước đưa ra. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011- 2015” hé lộ những chi tiết quan trọng của kế hoạch đầy kỳ vọng này. Một trong các biện pháp để xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng (TCTD) mà Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD đưa ra là: “Đối với một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, Chính phủ xem xét mua lại các bất động sản đó để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan Nhà nước”.


Biện pháp mua lại các dự án BĐS đang tồn đọng này dường như là khâu cuối cùng, trực tiếp và mạnh tay nhất để giải cứu BĐS sau một loạt các biện pháp đã đưa ra trước đó như Chỉ thị 2196 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 01 ngày 13-2 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Trước đó trong buổi giao lưu trực tuyến đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng “không để cho thị trường BĐS đổ vỡ” là hoàn toàn có cơ sở. Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, Nhà nước cũng không có nhiều tiền để có thể mua lại toàn bộ thị trường BĐS mà chỉ mua một phần nào đó với giá rẻ để phục vụ mục đích an sinh xã hội như nhà tái định cư, nhà công vụ.


Tiếp đó, trong Hội nghị về ngành xây dựng mới đây Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định phải cứu thị trường BĐS. Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, BĐS ảnh hưởng đến phát triển bền vững, an sinh xã hội, kinh tế vĩ mô thì phải “cứu”. Tuy nhiên, “cứu” không có nghĩa chỉ bằng việc Nhà nước mua lại “nhà ế” mà phải làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh.


Vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất, nhiều ngân hàng cũng chịu mở hầu bao cho vay mua nhà. Tuy nhiên không phải DN nào cũng có thể tiếp cận được vốn vay ngân hàng và lãi suất dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao vẫn sẽ làm khó DN. Mặc dù lãi suất đã giảm nhưng theo ghi nhận cũng khó đẩy được lượng cầu bởi tâm lý của những người có nhu cầu thực luôn ngóng sự giảm giá thêm cũng như sợ gặp rủi ro.


Có “cứu” được không?


Các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã đưa ra hàng loạt các phương thuốc để cứu vãn tình thế cho thị trường BĐS song nó vẫn chưa thực sự phát huy được tác dụng. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng phản đối vì cho rằng lẽ ra người thu nhập thấp đã có thể tiếp cận được với nhà ở nếu không bị các đại gia thâu tóm. Hiện tại, nhà đầu tư chỉ lãi không cao so với trước và nếu có lỗ thì chỉ là lỗ so với lợi nhuận kì vọng, chứ không phải lỗ thật sự. Thậm chí một số nhà đầu tư phải chuyển nhượng dự án, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, cũng chỉ là giải pháp về vốn, chứ không phải biểu hiện của sự đổ vỡ. Ngay cả khi bất động sản xuống thấp hơn nữa, tới mức giảm 50% thì vẫn chưa phải lo ngại về sự đổ vỡ.


Giá nhà hiện nay vẫn chưa chạm đáy và BĐS cũng là một loại hàng hóa, hãy để nó vận động theo quy luật của thị trường. Giáo sư Đặng Hùng Võ cũng cho rằng: “Giá BĐS đang giảm thì cần gì phải giải cứu, cứu để cho giá tăng trở lại sao? Lúc đó thị trường BĐS càng xấu và méo mó hơn. Hầu hết các DN BĐS đều khởi đầu từ số 0 nên khi thị trường khó khăn họ lại trở về số 0 là điều bình thường thôi. Ý kiến Nhà nước bỏ tiền mua lại BĐS là điều không tưởng, bởi Nhà nước không có nhiều tiền để làm việc đó”.


Chính phủ cũng không có nhiều tiền để có thể mua toàn bộ những dự án đang ế ẩm. Ngân hàng càng không có nhiều tiền để “bơm” vào thị trường BĐS khi mà nợ xấu BĐS vẫn đang là mối lo canh cánh.
Theo ANTĐ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.