Nhiều người mua nhà tại Khu đô thị Mễ Trì Hạ không làm được sổ đỏ vì sai phạm của chủ đầu tư |
Song cho đến khi sai phạm của chủ đầu tư được xử lý, nhiều khách hàng của Dự án đang phải trả giá cho sai lầm của mình.
Chủ dự án tự ý điều chỉnh quy hoạch
Năm 2002, Dự án khu đô thị Mễ Trì Hạ với vốn đầu tư 390 tỷ đồng đã được UBND TP. Hà Nội giao cho CTCP Tu Tạo và Phát triển nhà Hà Nội (tạm gọi Công ty Tu Tạo) làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch 1/500 đã được Thành phố phê duyệt, Dự án sẽ gồm 84 căn hộ thấp tầng. Nhưng khi thực hiện dự án, Công ty Tu Tạo đã không thực hiện theo quy hoạch này mà tự ý điều chỉnh tăng thêm 9 căn, từ 84 lên 93.
Khi triển khai dự án, rất nhiều khách hàng đã đăng ký mua các suất biệt thự và nhà vườn tại đây. Theo thỏa thuận giữa các khách hàng này và Công ty Tu Tạo, sau khi ký hợp đồng, Tu Tạo phải bàn giao nhà và giấy tờ liên quan đến các biệt thự, nhà vườn cho khách hàng để làm giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, đến nay, nhiều người mới phát hiện chủ dự án đã điều chỉnh quy hoạch, khiến nhiều khách hàng không thể làm được giấy tờ chủ quyền cho căn nhà.
Anh Đinh Mạnh Luật, chủ căn BT1, lô 6, dự án đô thị Mễ Trì Hạ cho biết: anh đã rất ngạc nhiên khi nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng để làm "sổ đỏ" thì bị từ chối vì lý do Dự án Mễ Trì Hạ đã vi phạm quy hoạch trong quá trình triển khai.
Cũng gặp vướng mắc trong việc hoàn thiện giấy tờ cho căn hộ tại dự án này, ông Nguyễn Văn Đoàn, chủ biệt thự BT1, lô 2 cho biết, ông là một trong những khách hàng đầu tiên của dự án, lại là người làm trong ngành quy hoạch, kiến trúc nên ông đã sớm phát hiện việc chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch. Theo ông Đoàn, nhiều nhà đầu tư tại dự án này đã sang tay đổi chủ nhiều lần, nhưng chỉ đến gần đây, nhiều người muốn làm sổ đỏ để đủ điều kiện vay tiền ngân hàng phục vụ kinh doanh hoặc để bán sẽ có giá hơn, mới phát hiện họ không thể hoàn thiện được giấy tờ chủ quyền khi chủ dự án đã tự ý điều chỉnh quy hoạch dự án. Ông Đoàn cho biết, nhiều nhà đầu tư đã yêu cầu Công ty Tu Tạo giải quyết vấn đề này và nhận được từ Công ty lời hứa tích cực sửa sai. Tuy nhiên, khi nào vụ việc mới được giải quyết thì các nhà đầu tư phải chờ, chủ dự án chưa trả lời cụ thể.
Sai phạm sẽ được hợp thức hóa?
Giải thích việc tự ý thay đổi quy hoạch, xây thêm nhiều căn hộ trong dự án Mễ Trì Hạ, ông Nguyễn Tiến Đoàn, Tổng giám đốc Công ty Tu Tạo cho biết, do nhu cầu người mua nhà quá lớn nên, Tu Tạo đã thay đổi quy hoạch, làm tăng thêm số căn hộ để đáp ứng được nhiều hơn nhu cầu của nhà đầu tư.
Liên quan đến việc Tu Tạo điều chỉnh quy hoạch Dự án, ông Nguyễn Tiến Đoàn cho biết, Thanh tra Thành phố, Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Xây dựng đã thực hiện thanh tra và kết luận Công ty có sai phạm. Về phía chủ đầu tư, Công ty Tu Tạo cũng thừa nhận sai phạm và đã nộp phạt. Ngoài ra, ông Nguyễn Tiến Đoàn cho biết thêm, UBND Thành phố đã chấp nhận để Dự án tồn tại theo quy hoạch điều chỉnh và Công ty Tu Tạo đang tiến hành những thủ tục cần thiết để người dân có điều kiện làm sổ đỏ. Trong quá trình hoàn thiện thủ tục sắp tới, những chi phí phát sinh nếu có, chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm lo liệu, chứ nhà đầu tư sẽ không phải đóng thêm khoản chi phí.
Trao đổi với ĐTCK, ông Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng cho biết, tình trạng vi phạm quy hoạch ở nước ta diễn ra khá phổ biến, nhất là với những dự án đô thị có quy mô nhỏ. Nguyên nhân của việc điều chỉnh, theo ông Hanh là do khi lập dự án, các chủ dự án vẫn làm thật nhanh để được phê duyệt và giao đất. Đến khi được giao đất, chủ dự án mới tính đến việc sử dụng miếng đất sao cho hiệu quả nhất nên tìm cách điều chỉnh. Và thực tế, không ít chủ dự án đã "hợp thức hóa" được những sai phạm của mình. Với trường hợp Dự án Mễ Trì Hạ, theo ông Hanh, quy hoạch điều chỉnh tự ý cũng có thể "được tồn tại", nếu chủ đầu tư chứng minh được sự điều chỉnh ấy là khoa học và mức độ điều chỉnh không vượt quá những giới hạn quy định của cơ quan chức năng.
Chưa biết bao giờ, các khách hàng của Dự án Mễ Trì Hạ mới được tạo điều kiện để làm sổ đỏ như lời ông Nguyễn Tiến Đoàn nói ở trên. Và cho đến khi đó, nhiều người sẽ còn tiếp tục chịu thiệt vì không thể sử dụng căn nhà của mình vào việc thế chấp vay vốn hay chuyển nhượng với giá tốt, như gần 10 năm qua.