22/07/2023 7:13 PM
Bộ Giao thông vận tải cho biết, đến nay đã có 1.729km đường bộ cao tốc đã hoàn thành, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ đưa vào vận hành thêm 1.072km và tiến tới khởi công 1.258 km, thêm 928km cao tốc đang được huy động nguồn vốn để đầu tư.

Bộ GTVT lên kế hoạch cân đối nguồn vốn để đầu tư 928km cao tốc đường bộ từ nay đến năm 2030 (ảnh minh họa)

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) mới đây đã có văn bản phản hồi ĐBQH tỉnh Đắk Nông về tiến trình kiến trai kế hoạch hoàn thành 5.000km đường bộ cao tốc vào năm 2030.

Theo đó, mục tiêu “Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000km đường bộ cao tốc” được đề ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ xác định lộ trình thực hiện đến năm 2025 hoàn thành 3.000km và đến năm 2030 sẽ hoàn thành 5.000km trong đó có tuyến cao tốc đường bộ qua các tỉnh Tây Nguyên đoạn Gia Nghĩa, Đắk Nông - Chơn Thành, Bình Phước kết nối Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và TP.HCM.

Về tiến trình triển khai mục tiêu này, Bộ GTVT cho biết, tuyến cao tốc đầu tiên của nước (TP.HCM – Trung Lương) bắt đầu được khởi công từ năm 2004. Đến nay, Bộ đã trải qua gần 20 năm triển khai các dự án đường bộ cao tốc, các kết quả đạt được có thể kế đến như:

Đã hoàn thành 1.729km đường bộ cao tốc, đi vào vận hành; đang thi công xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 1.071km; đã quyết định chủ trương đầu tư, bố trí đủ vốn thực hiện, dự kiến khởi công giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 1.258km (trong đó, khoảng 344km hoàn thành trong năm 2025); đang chuẩn bị đầu tư khoảng 928km chờ cân đối nguồn vốn đầu tư.

Các dự án đang trong quá trình chuẩn bị bao gồm: Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước), Ninh Bình - Hải Phòng, Bảo Lộc - Liên Khương, TP.HCM – Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài, Gò Dầu - Xa Mát, Vành đai 4 TP.HCM,…

Các dự án cao tốc yêu cầu mức kinh phí lớn do đó được phân thành các giai đoạn, các dự án thành phần để triển khai. Các địa phương cũng được giao vai trò cơ quan chủ quản đầu tư đoạn tuyến đi qua địa phương này để có thể chủ động triển khai phù hợp với quy hoạch từng khu vực. Bên cạnh đó huy động nguồn vốn xã hội để thực hiện phương thức PPP (đối tác công – tư) nhằm giảm gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cũng như đẩy nhanh việc thực hiện dự án, sớm đưa cao tốc vào vận hành.

Tiêu biểu có thể kế đến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, dự án yêu cầu tổng mức đầu tư 29.878 tỉ đồng để triển khai giai đoạn 1 trong đó nhà đầu tư đề xuất tham gia tới 50% tổng mức đầu tư dự án (tương đương 14.939 tỉ đồng). Với phần vốn Nhà nước tham gia dự án, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và UBND tỉnh Bình Phước thống nhất phương án tài chính, xác định rõ cơ cấu các nguồn vốn và yêu cầu UBND tỉnh Bình Phước khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương theo quy định.

Xác định việc thực hiện mục tiêu hoàn thành 5.000km cao tốc vào năm 2030 là nhiệm vụ quan trọng và thách thức lớn đối với ngành GTVT, tư lệnh ngành đưa ra 8 giải pháp trong đó nhấn mạnh cần phải có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự tham gia, ủng hộ của nhân dân.

Chủ đề: Cao tốc Bắc Nam,
  • Thêm 126km cao tốc ở Đông Nam Bộ sắp được khởi công

    Thêm 126km cao tốc ở Đông Nam Bộ sắp được khởi công

    Bộ trường Bộ Giao thông vận tải cho biểt tại khu vực Đông Nam Bộ hiện đã đưa vào khai thác 103 km, đang thi công 178 km và chuẩn bị khởi công 126 km; phấn đấu đến 2025 sẽ có trên 400 km đường cao tốc đưa vào khai thác.

Bắc Cơ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.