07/05/2016 8:10 AM
Đã bảy năm trông chờ, người dân tại hai xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) và Viên An (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn chưa thấy dự án cầu Hòa Viên dài 190 m hoàn thành.

Công trình đắp chiếu nhiều năm nên người dân phải đi nhờ cầu tạm. Nhân dịp này một số công nhân của đơn vị thi công lập chốt trên cầu tạm để thu từ 20.000 đến 50.000 đồng/lượt ô tô. Theo ghi nhận, chỉ trong vòng một giờ đã có hơn 20 lượt ô tô các loại qua cầu tạm nhưng không có vé hay biên lai.

Đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý (BQL) dự án Giao thông 2 (Sở GTVT TP Hà Nội) cho biết dự án cầu Hòa Viên do liên danh giữa Công ty Cổ phần Xây dựng số 6 Thăng Long và Công ty Cổ phần Tập đoàn Toàn Phát làm nhà thầu. Ông Lê Xuân Thọ, Phó Giám đốc BQL dự án 2, cho hay cầu tạm được nhà thầu dựng để phục vụ thi công. Trước đây, người dân hai xã lưu thông bằng cầu phao do UBND xã Hòa Chính quản lý. Năm 2014, cầu phao xuống cấp, xã đề nghị đơn vị thi công cho sử dụng cầu tạm cho người dân qua lại rồi dỡ bỏ cầu phao.

Công trình “đứng hình” nhiều năm, người dân phải đi qua cầu tạm nhưng phải nộp phí. Ảnh: TUYẾN PHAN

“Chúng tôi đã có văn bản và nhà thầu đã cam kết giao cầu tạm cho địa phương quản lý và không thu phí. Việc này chỉ là cho đi nhờ chứ nhưng quản lý thế nào thì hỏi thêm địa phương” - ông Thọ nói.

Theo văn bản này, BQL dự án khẳng định việc cho xe lưu thông nhưng thu phí sẽ gây mất an toàn và bức xúc cho người dân nên nghiêm cấm thu phí. Tuy nhiên, thực tế lại khác. “Mỗi ngày có hàng trăm lượt ô tô các loại qua cầu, trong đó có xe đi 2-3 lượt/ngày. Số tiền thu được là rất lớn nhưng không biết ai quản lý” - ông Hồ Quy Nam, một người dân sống gần cầu, thắc mắc.

Tuy vậy, trả lời phóng viên, đại diện UBND hai xã Hòa Chính và Viên An đều nói việc quản lý cầu tạm này thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu thi công, không thuộc thẩm quyền của xã. “Cầu tạm do chủ đầu tư quản lý và họ thu hay không thu thì không thuộc thẩm quyền của địa phương. Tuy vậy, xã từng kiểm tra nhưng không có chuyện thu phí nhưng hiện giờ có thu hay không thì do bận công tác bầu cử nên chúng tôi không thể quan tâm sâu” - ông Nguyễn Văn Biên, Chủ tịch UBND xã Viên An, nói.

Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Toàn Phát (đơn vị quản lý cầu tạm), cầu tạm chủ yếu phục vụ thi công và cho người dân trong khu vực lưu thông qua. “Chúng tôi đã nhận được phản ánh qua cầu phải đóng phí và đã quán triệt các công nhân không được thu phí. Nhưng thực tế không thể tránh khỏi anh em công nhân thu phí cho có “đồng ra, đồng vào”. Chắc họ cũng chỉ lấy 5.000-10.000 đồng. Hơn nữa, tôi nghĩ hiện chỉ vài xe qua nên cũng không đáng gì (?!)” - ông Thắng nói.

Năm 2006, dự án xây dựng cầu Hòa Viên dài gần 190 m, rộng khoảng 8 m được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt. Năm 2009, cầu được khởi công.

Tháng 7-2008, dự án được điều chỉnh một số hạng mục, nâng tổng mức đầu tư từ 35 tỉ đồng lên thành 47,5 tỉ đồng. Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới, BQL dự án Giao thông 2 (Sở GTVT TP Hà Nội) được giao làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch ban đầu, công trình hoàn thành trong 18 tháng thi công nhưng đến nay mới lắp đặt được bốn nhịp, còn hai nhịp chưa thể thi công do vướng mắc về bồi thường, tái định cư của bảy hộ dân ở xã Hòa Chính. Đại diện chủ đầu tư cho biết dự kiến trong năm 2016 cầu sẽ hoàn thành.

Tuyến Phan (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.