Năm 2017, thị trường địa ốc vẫn nằm trong đà tăng trưởng.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), mặc dù thị trường bất động sản đang manh nha một số dấu hiệu bất ổn nhưng trong năm 2017 bất động sản vẫn nằm trong chu kỳ tăng trưởng, và có chững lại hơn so với năm 2016.
Bên cạnh những cơ hội mới, thị trường bất động sản 2017 cũng phải giải quyết những “điểm nghẽn” đang tồn tại gây khó khăn cho doanh nghiệp và đà phát triển của thị trường. Cụ thể:
“Điểm nghẽn” thứ nhất là khâu giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn dẫn đến tình trạng dự án da beo, không thể triển khai được, chôn vốn của doanh nghiệp trong thời gian dài, chưa có lối ra. Theo thống kê hiện nay, thành phố có đến 500 dự án ngừng triển khai,trong đó có nhiều dự án bất động sản chủ yếu do vướng khâu giải phóng mặt bằng.
Để giải quyết khó khăn này, HoREA kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều 62 Luật Đất đai để xác định rõ thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khi phê duyệt đề án quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các dự án dân cư… thì được thực hiện cơ chế Nhà nước thu hồi đất để sớm triển khai thực hiện dự án; tránh tình trạng người có đất lợi dụng sự thiếu chặt chẽ của hệ thống pháp luật để khiếu kiện kéo dài như hiện nay.
Kiến nghị giao cho "Tổ chức phát triển quỹ đất" của các tỉnh, thành phố thực hiện thu hồi đất, thực hiện giải phóng mặt bằng, sau đó tiến hành đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư để đảm bảo minh bạch, công bằng, hạn chế tình trạng khiếu kiện như hiện nay, và tăng nguồn thu ngân sách.
“Điểm nghẽn” thứ hai là tiền sử dụng đất đang là gánh nặng, là ẩn số, tạo ra cơ chế "xin - cho". Để tháo gỡ khó khăn này HoREA đề nghị cho phép doanh nghiệp được tham gia và được quyền nêu ý kiến tại cuộc họp của Hội đồng thẩm định giá đất thành phố khi thẩm định giá đất dự án của đơn vị mình.
Cho phép doanh nghiệp được tham gia và có ý kiến tại cuộc họp của Sở Tài chính khi xem xét chi phí giải phóng mặt bằng được khấu trừ vào tiền sử dụng đất phải nộp.
Đề nghị bãi bỏ cơ chế đấu thầu rộng rãi qua mạng internet hiện nay chỉ chọn đơn vị chào thầu với giá thấp nhất được trúng thầu; thay thế bằng cơ chế đấu thầu rộng rãi nhưng với tiêu chí chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất có năng lực, có phương án xác định giá đất tối ưu, chứ không phải chọn đơn vị có giá thấp nhất.
“Điểm nghẽn” thứ ba nằm ở thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn chứa tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình phê duyệt, thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, điển hình là khâu thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật thi công các công trình cấp 1, từ trên 20 tầng.
Để xóa bỏ khó khăn này, HoREA đề nghị, giao cho cấp tỉnh thẩm định phê duyệt thiết kế xây dựng công trình cấp 1 (trên 20 tầng) để giảm thiểu "lợi ích nhóm"; miễn thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng công trình trong dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, hoặc quy hoạch tổng mặt bằng đã được duyệt; giao quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ở có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng.
“Điểm nghẽn” thứ tư nằm ở chính sách tín dụng cho thị trường bất động sản. HoREA đề nghị Nhà nước có cơ chế tiếp nối để hỗ trợ tín dụng cho đối tượng chính sách để mua nhà ở xã hội; cho người thu nhập thấp đô thị để mua nhà ở thương mại giá rẻ. Với gói 30.000 tỷ, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép các trường hợp nhận nhà từ ngày 01/01/2017 trở đi được tiếp tục giải ngân đến hết hợp đồng, do số lượng này không nhiều, mà nếu phải vay thương mại thì đối tượng này rất khó khăn.
“Điểm nghẽn” thứ năm là về chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản. Theo HoREA, việc chuyển nhượng dự án là hoạt động giữa các nhà đầu tư với nhau, chưa phải là bán nhà ở cho người mua nhà. Nếu bên chuyển nhượng chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư, xây dựng thì bên nhận chuyển nhượng dự án sẽ tiếp tục thực hiện hoàn tất các công việc này.
Do vậy, HoREA đề nghị cho phép doanh nghiệp được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án kể từ thời điểm sau khi đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch của dự án; coi chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng một phần dự án là hoạt động bình thường trong quá trình đầu tư kinh doanh bất động sản theo nhu cầu của các doanh nghiệp.
-
Những dự án hạ tầng giao thông quan trọng nào tại TP.HCM về đích năm 2024?
Trong năm 2024, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP.HCM hoàn thành đưa vào khai thác. Ân tượng nhất trong số này là tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên. Tuyến metro đầu tiên của TP.HCM phải mất 17 năm để hoàn thành kể từ ngày được phê...
-
Tin vui cho người dân tại TP.HCM
Trước thềm Tết Nguyên đán 2025, 4 cây cầu huyết mạch gồm Phước Long, Tăng Long, Tân Kỳ - Tân Quý, và Bà Hom đang trong giai đoạn nước rút để kịp thông xe, sẽ giúp giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố. Đây là tin vui lớn cho...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....