Với sự phát triển của khoa học công nghệ, nhiều loại vật liệu xanh được ra đời và ứng dụng nhiều hơn trong xây dựng, không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, mà còn mang lại kết cấu xây dựng bền vững hơn.

Tại hội thảo "Chi phí đầu tư và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng" vừa được Bộ Xây dựng tổ chức mới đây, Viện Vật liệu Xây dựng cho rằng, chi phí là một trong những khía cạnh đặc biệt quan trọng trong việc phát triển, quản lý các dự án công trình hiệu quả năng lượng.

Tuy nhiên, đây cũng là một trong các rào cản lớn đối với các chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản muốn xây dựng và vận hành công trình bền vững tại Việt Nam.

Những loại vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường đang là xu hướng chung của ngành xây dựng hiện nay

Hiện tại, vẫn còn không ít doanh nghiệp phân vân việc đầu tư phát triển các công trình xanh do lo ngại về chi phí tăng cao, việc tìm kiếm các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng khó khăn và thiếu nguồn nhân lực am hiểu để phát triển.

Theo Viện Vật liệu Xây dựng, để công trình xanh tại Việt Nam được đẩy mạnh về số lượng, cũng như đảm bảo về chất lượng, việc tìm ra các giải pháp khắc phục các lo ngại trên là rất quan trọng.

Vật liệu xanh là gì?

Công trình xanh được thiết kế và xây dựng theo tiêu chí tiết kiệm năng lượng và tài nguyên nước, sử dụng vật liệu bền vững, giảm xả khí thải ô nhiễm, cải thiện tiện nghi cho người sử dụng... Vì vậy, các công trình này cũng cần phải sử dụng các nguyên vật liệu đầu vào phù hợp và đáp ứng tiêu chí giảm thải carbon ra môi trường.

Vật liệu xanh là những loại vật liệu ít tác động nhất tới môi trường

Những năm gần đây, xu hướng sử dụng vật liệu xanh không chỉ dừng lại ở các tòa nhà cao ốc hiện đại, mà còn được ứng dụng rộng rãi trong các công trình nhà ở dân dụng.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng có nhiều giải pháp về lựa chọn vật liệu nhằm giải quyết các vấn đề về hiệu ứng nhà kính, tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường.

Vật liệu xanh là những loại vật liệu ít tác động nhất tới môi trường và không gây hại cho sức khỏe con người trong suốt quá trình thu thập nguyên liệu, sản xuất, đến ứng dụng và sau khi hết vòng đời sử dụng.

Một vật liệu xanh có tính ứng dụng và hiệu quả cao phải đáp ứng được các tiêu chí cơ bản như:

- Không độc hại dựa trên mức độ ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sản xuất, sử dụng và sau khi sử dụng

- Khả năng tái chế hoặc tái sử dụng cao

- Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên cũng như tiết kiệm nhiên liệu

- Vòng đời sử dụng cao, có thể sử dụng lâu dài và độ tiêu hao vật liệu thấp

- Ít có ảnh hưởng đến môi trường, lượng phát thải thấp hoặc bằng 0

Lợi ích của việc sử dụng vật liệu xanh, tiết kiệm năng lượng

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cho rằng việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp, lựa chọn phương án tài chính hợp lý.

Cụ thể, chủ đầu tư cần phải nắm rõ việc sử dụng các vật liệu xanh, vật liệu tiết kiệm năng lượng cùng với đó là hướng tới thực hiện Net Zero Energy nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư, chi phí vận hành.

việc xây dựng công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng không làm tăng chi phí đầu tư nếu các chủ đầu tư biết sử dụng vật liệu xây dựng phù hợp

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đáng báo động khiến nhiều ngành nghề đang có xu hướng tìm đến sự phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, trong đó có ngành vật liệu xây dựng.

Tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng vật liệu xanh, vật liệu cách nhiệt đang ngày càng được quan tâm và sử dụng rộng rãi vì những lợi ích mà loại vật liệu này mang lại.

Theo đó, có 5 lợi ích rõ rệt từ việc sử dụng các vật liệu tiết kiệm năng lượng, bao gồm:

Một là, trang bị vật liệu cách nhiệt để không gian trở nên mát mẻ, thoáng đãng là điều hết sức cần thiết giúp duy trì sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái.

Hai là, việc trang bị vật liệu cách nhiệt giúp ngăn cản tác động của tia UV vào trong không gian của công trình xây dựng giúp bảo vệ da cũng như sức khỏe con người.

Ba là, vật liệu cách nhiệt có tác dụng ngăn cản tối đa nhiệt lượng ảnh hưởng vào trong nhà từ đó giúp tiết kiệm 20-30% điện năng tiêu thụ mỗi tháng từ các thiết bị làm mát như quạt máy, điều hòa.

Bốn là, ngoài khả năng chống nóng tốt, các loại vật liệu cách nhiệt hiện nay khá đa dạng mẫu mã giúp giữ được tính thẩm mỹ của công trình, phù hợp với nhiều vị trí khác nhau trong công trình xây dựng.

Năm là, Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, dễ gây thấm nước, ẩm mốc tường nhà. Vật liệu cách nhiệt đảm bảo được các yếu tố không hút nước hoặc cản nước nên giữ được sự bền đẹp cho công trình xây dựng. Đồng thời, vật liệu này có tuổi thọ cao và có thể tái chế, không phát thải các khí độc hại ra môi trường.

Với những lợi ích trên, việc sử dụng các vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng là yêu cầu cần thiết trong phát triển các công trình xanh. Điều này sẽ giúp chất lượng các công trình xanh đảm bảo, đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe của người tiêu dùng và đặc biệt là tiết kiệm được chi phí đầu tư, vận hành.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.