CafeLand - Đó là con số được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng đưa ra tại buổi hội thảo “30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.

Ông Dũng khẳng định tầm quan trọng của Đầu tư nước ngoài (FDI) với nền kinh tế Việt Nam, cho biết với 184 tỉ USD được giải ngân trong 30 năm, FDI đã bổ sung nguồn vốn quan trọng vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

“Tỷ trọng vốn FDI trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ gần 15% năm 2005 lên 23,7% năm 2017. Ðóng góp của FDI vào GDP cũng ngày càng cao. Nếu như năm 1995, khu vực FDI mới chiếm 6,3% trong GDP, thì đến năm 2017 đã chiếm tới 19,6%”, ông Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ Trưởng Bộ KH&ĐT

Khu vực FDI đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách, với giá trị nộp ngân sách tăng từ 1,8 tỉ USD giai đoạn 1994 - 2000 lên 14,2 tỉ USD giai đoạn 2001 - 2010. Giai đoạn 2011 - 2015, thu ngân sách từ khu vực FDI đạt 23,7 tỉ USD, chiếm gần 14% tổng thu ngân sách. Riêng năm 2017, FDI đạt 8 tỉ USD, chiếm khoảng 17% tổng thu ngân sách nhà nước.Với 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, khu vực FDI góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Số liệu thống kê cho thấy, khu vực FDI đang tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, như dầu khí, viễn thông, điện, điện tử... Đầu tư nước ngoài góp phần phát triển nhiều ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, tư vấn luật, vận tải biển, logistics, giáo dục - đào tạo, y tế, du lịch... FDI cũng giúp chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu.

Tuy nhiên, cùng với những đóng góp đáng chú ý, ông Dũng cho rằng thu hút FDI trong 30 năm qua ở nước ta vẫn còn một số hạn chế.

Những hạn chế dễ nhận thấy như: liên kết của khu vực FDI với khu vực trong nước và hiệu ứng lan tỏa năng suất chưa cao; chuyển giao công nghệ chưa đạt được kết quả như kỳ vọng; tỷ trọng đầu tư của các tập đoàn xuyên quốc gia còn thấp; đầu tư từ Hoa Kỳ, EU vào Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng.

Một số dự án FDI cũng chưa tuân thủ nghiêm túc quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Vẫn có tình trạng doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng máy móc, thiết bị thế hệ cũ, không phù hợp, gây ô nhiễm môi trường. Ðặc biệt đã có một số dự án gây sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chấp hành chưa nghiêm quy định của pháp luật về thuế, lao động. Trong một số trường hợp, việc thu hút FDI chưa tính toán đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Thu hút FDI cần chọn lọc hơn

Dựa vào những phân tích thực tiễn về ưu, nhược điểm của thu hút FDI trong 30 năm qua, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã đưa ra những định hướng thu hút FDI thời gian tới để hoạt động này đóng góp hiệu quả hơn cho nền kinh tế.

Cụ thể, sẽ ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng cách mạng công nghiệp 4.0.

Bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong nước.

Tiếp tục thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày, nhưng tập trung vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.

Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.