Có 20,2% vốn FDI vào thành phố chảy vào lĩnh vực bất động sản TP.HCM. Ảnh: Thuận Nguyễn
Trong đó tính cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước.
Cụ thể, có 711 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 640,57 triệu USD, tăng 22,8% số dự án cấp mới và bằng 70% vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Đồng thời, có 194 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư là 555,21 triệu USD, tăng 23,6% số dự án điều chỉnh và bằng 80% vốn đầu tư so với cùng kỳ. Và cho 2.155 trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục để được góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp của doanh nghiệp trong nước, với vốn góp đăng ký tương đương 4,28 tỷ USD, tăng 36,5% về số trường hợp và tăng gấp 2,1 lần về vốn đầu tư so với cùng kỳ.
Phân theo lĩnh vực, bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác có vốn đầu tư nhiều nhất với 27,7% tổng vốn đầu tư.
Tiếp theo là công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm và hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm lần lượt 22,8% và 20,2% tổng vốn đầu tư.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố cò 8.067 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 45,12 tỷ USD.
Nhằm tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, UBND thành phố đã kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi một số quy định về đầu tư kinh doanh theo hướng quy định cụ thể hơn các thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư về thẩm quyền, phạm vi điều chỉnh và nội dung thẩm tra.
Tiếp tục thực hiện phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương đối với việc quyết định chủ trương các dự án đầu tư trên địa bàn; sửa đổi, bổ sung các quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các quy định còn bất cập, chưa rõ ràng liên quan đến thủ tục đầu tư và kinh doanh.
Bên cạnh đó nghiên cứu chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các Tập đoàn đa quốc gia, và chính sách riêng đối với từng Tập đoàn, nhà đầu tư đến từ các quốc gia là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Pháp…
UBND thành phố cũng kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương rà soát các lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Các trường hợp đã cho phép nhiều nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đầu tư tại Việt Nam thì đưa thành nguyên tắc xem xét có cho phép hay không đối với các trường hợp tương tự hoặc quy định các điều kiện chi tiết hoặc khung tiêu chuẩn đáp ứng tối thiểu cho nhà đầu tư nước ngoài để xem xét, đầu tư vào những lĩnh vực chưa cam kết đó, giảm bớt tình trạng địa phương phải lấy ý kiến từng Bộ, ngành cho từng trường hợp.