Cụ thể theo Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 16/4/2023 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản.
Thông báo kết luận nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong "hệ sinh thái" kinh tế: Công nghiệp, dịch vụ, du lịch, lưu trú, sản xuất vật liệu, tài chính, ngân hàng… tác động đến chuỗi sản xuất như vật liệu, sắt thép, đồ gia dụng, thị trường vốn, tín dụng, thị trường lao động, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác cùng các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 178/TTg-CN ngày 27/3/2023.
Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổ công tác tập trung hoàn thành công tác kiểm tra tại tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận… địa bàn có nhiều kiến nghị của doanh nghiệp gửi đến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác như Novaland, Khu đô thị sinh thái Đại Phước, Khu đô thị du lịch Long Tân… yêu cầu hoàn thành trước 20/4/2023.
Trên cơ sở kết quả rà soát, tổng hợp các vướng mắc qua báo cáo của các địa phương, kiểm tra tại các dự án, từ kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp gửi trực tiếp về Tổ công tác, Phó Thủ tướng giao các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính phân nhóm theo nguyên tắc:
a) Nhóm các vướng mắc đã có quy định của pháp luật nhưng do khâu thực thi tại địa phương, yêu cầu các Bộ có văn bản hướng dẫn cụ thể trước 25/4/2023 để các địa phương triển khai thực hiện.
b) Nhóm các vướng mắc do các quy định của pháp luật cần chỉ rõ các điều, khoản của Thông tư, Nghị định và các Luật.
Đối với các vướng mắc có nguyên nhân từ các quy định tại Thông tư, các Bộ chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp để sửa đổi, bổ sung theo trình tự, thủ tục rút gọn để ban hành trong tháng 4 năm 2023.
Đối với các vướng mắc do mẫu thuẫn giữa các quy định hoặc quy định còn chưa cụ thể hoặc chưa có hướng dẫn trong các nghị định thì báo cáo, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung theo hình thức một Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều Nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đối với các vướng mắc có liên quan đến các Luật, các vấn đề, nội dung mâu thuẫn mâu thuẫn giữa các luật: Đối với các nội dung đã được sửa đổi, bổ sung trong các Luật đang chuẩn bị trình Quốc hội xem xét như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) thì đề xuất Quốc hội cho phép thi hành sau 45 ngày kể từ ngày được Quốc hội thông qua; các vướng mắc chưa sửa đổi được ngay trong các Luật đề xuất Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết để giải quyết.
c) Đối với các vấn đề thực tiễn chứng minh là cần thiết, phù hợp nhưng vướng quy định của luật hoặc các vấn đề đã làm sai luật nhưng không thể khắc phục thì tổng hợp, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền nguyên tắc giải quyết, không hợp thức hóa các sai phạm.
DIC đã kiến nghị gì với Chính phủ?
Ngày 15/3, tại trụ sở Chính phủ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về chủ trương góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước và dự án khu đô thị du lịch Long Tân.
Tham gia cuộc họp có lãnh đạo các bộ, cơ quan như Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ, Công an, UBND tỉnh Đồng Nai, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group) và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh Đồng Nai, DIC Group và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận, đối với chủ trương góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp để thực hiện dự án cấp 2 theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu đô thị sinh thái Đại Phước thì UBND tỉnh Đồng Nai, DIC Group căn cứ các quy định pháp luật liên quan, rà soát toàn diện về pháp lý hồ sơ nêu trên, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện theo đúng thẩm quyền và đúng quy định của pháp luật.
Đối với dự án khu đô thị du lịch Long Tân, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao UBND tỉnh Đồng Nai rà soát, xác định rõ các vướng mắc thực tại của dự án. Trên cơ sở đó có các giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho Khu đô thị du lịch Long Tân theo thẩm quyền.
Với các nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần xác định rõ căn cứ pháp lý. Trên cơ sở đó hướng dẫn UBND tỉnh Đồng Nai hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch Novaland nói gì về dự án 1000ha Aqua City?
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững vào sáng 17/2, Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Thành Nhơn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn. Thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.
Ông Nhơn kiến nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.
Cụ thể, ông Nhơn Novaland kiến nghị, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.
Việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.
Cũng theo ông Nhơn, hiện Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháo lý.
“Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường”, ông Nhơn cho biết.
Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.
-
Nóng: Lập Tổ công tác gỡ vướng cho dự án của Novaland tại Đồng Nai và Bình Thuận
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa có chỉ đạo về giải quyết vướng mắc các dự án của Tập đoàn Novaland tại tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.
-
Công ty Cổ phần Tập đoàn Stavian muốn đầu tư dự án khu công nghiệp quy mô 300 ha tại Bình Thuận
Ông Nguyễn Hồng Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa làm việc với Công ty Cổ phần Tập đoàn Stavian để nghe báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp phía Nam tỉnh Bình Thuận....
-
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết: Cú hích đột phá cho bất động sản du lịch Bình Thuận
Hơn cả vai trò một tuyến đường huyết mạch, sự hình thành cao tốc còn đóng vai trò như một “bệ phóng” phát triển kinh tế Bình Thuận, chuyển mình từ một tỉnh ven biển nông nghiệp sang một trung tâm kinh tế - du lịch....
-
Bất động sản Bình Thuận gặp khó với 101 dự án chưa triển khai, UBND tỉnh nói gì với Bộ Xây dựng?
Hiện nay, nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Bình Thuận đang đối mặt với không ít khó khăn và vướng mắc, gây chậm trễ trong triển khai, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn b...