Theo tin từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines, đầu tháng 11/2024, Bộ Công Thương Philippines đã ra thông báo về việc khởi xướng điều tra sơ bộ theo biện pháp tự vệ đối với mặt hàng xi măng nhập khẩu từ một số nước trong đó có Việt Nam.
Sản phẩm trong vụ việc điều tra được xác định là sản phẩm xi măng theo các mã định danh thuế quan hài hòa chung trong Asean (AHTN - Asean Harmonised Tariff Nomenclature) là AHTN 2523.29.90 và AHTN 2523.90.00.
Vụ việc được Bộ Công Thương Philippines khởi xướng điều tra sơ bộ trên cơ sở các thông tin ban đầu do Cục Hải quan Philippines và các thành viên của Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Philippines cung cấp cho thấy sự gia tăng của xi măng nhập khẩu đã dẫn đến những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất xi măng trong nước.
Danh sách 38 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vào Philippines do Cục Hải quan Philippines cung cấp cho cơ quan điều tra, có tới 18 doanh nghiệp Việt Nam
Trong danh sách 38 doanh nghiệp xuất khẩu xi măng vào Philippines do Cục Hải quan Philippines cung cấp cho cơ quan điều tra, có 18 doanh nghiệp Việt Nam. Bộ Công Thương Philippines sẽ đặt ra các câu hỏi và yêu cầu các doanh nghiệp có liên quan trả lời và cung cấp thông tin.
Trong giai đoạn 2019 đến 2024, có những thời điểm xi măng Việt Nam chiếm 98% trong tổng lượng xi măng nhập khẩu vào thị trường Philippines.
Theo Bộ Công Thương, việc Philippines điều tra khởi xướng điều tra sơ bộ theo biện pháp tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ một số nước vào thị trường nước này, nhưng chủ yếu nhắm tới xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Trước đây, Philippines cũng đã từng điều tra và áp thuế tự vệ tạm thời đối với xi măng Việt Nam, đồng thời điều tra chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
Đến năm 2022, mặc dù Ủy ban thuế Philippines kiến nghị tiếp tục áp thuế tự vệ đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam nhưng Bộ Công Thương Philippines đã không đồng tình và quyết định không tiếp tục áp thuế tự vệ mà chỉ áp thuế chống bán phá giá đối với xi măng nhập khẩu từ Việt Nam.
“Việc Bộ Công Thương Philippines lại tiếp tục khởi xướng điều tra tự vệ xi măng Việt Nam là một động thái mới nhằm tạo thêm gánh nặng thuế cho xi măng Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Philippines, qua đó bảo vệ ngành sản xuất xi măng trong nước. Điều này sẽ tạo thêm nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu xi măng của Việt Nam’, Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định.
Nếu như trong điều tra chống bán phá giá, cơ quan điều tra phải điều tra đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu và áp thuế chống bán phá giá riêng đối với từng doanh nghiệp, thì trong điều tra tự vệ sẽ điều tra và áp thuế chung.
Sự khác biệt của điều tra tự vệ là trong điều tra tự vệ, phía Philippines sẽ điều tra và áp thuế đối với tất cả các nguồn xi măng nhập khẩu và mức thuế áp cho các doanh nghiệp là như nhau.
Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho rằng, đây chính là điểm mà các doanh nghiệp xi măng trong nước cần lưu ý để tập hợp lại cùng nhau có tiếng nói, chia sẻ thông tin nhằm đảm bảo tốt nhất lợi ích của ngành xi măng.
-
Hiện Philippines là thị trường lớn nhất tiêu thụ xi măng và clinker của Việt Nam, chiếm tới 26,1% trong tổng lượng và chiếm 27,2% trong tổng trị giá xuất khẩu xi măng và clinker của cả nước 8 tháng đầu năm 2024.
-
Kim ngạch thương mại hai nước Việt Nam - Philippines sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2025
Chiều ngày 8/10, nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan tại Vientiane, Lào, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos.
-
Triển vọng ngành xi măng cuối năm 2024: Tín hiệu phục hồi nhờ hưởng lợi từ loạt dự án trọng điểm phía Nam
Ngành xi măng đang cho thấy dấu hiệu phục hồi sau thời gian dài đối mặt với nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng đến từ sự cải thiện trong nhu cầu nội địa và các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Tuy nhiên, tình trạng dư cung và ...
-
Khoản đầu tư hơn 3.000 tỷ của công ty xi măng lớn nhất Việt Nam nguy cơ mất vốn
Theo Thanh tra Bộ Tài chính, khoản đầu tư của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam vào một số công ty tiềm ẩn rủi ro mất vốn, khi phải trích lập dự phòng hơn 3.000 tỷ đồng.
-
Kinh doanh thua lỗ, Xi măng Bỉm Sơn nêu biện pháp khắc phục cổ phiếu bị cảnh cáo
Với việc thua lỗ thêm 25 tỷ đồng trong quý 3/2024, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Xi măng Bỉm Sơn tính đến ngày 30/9 là âm 245 tỷ đồng.