Kể từ khi Thủ tướng giao đất tổ chức giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư tại Quyết định 442 ngày 13/4/2001, đến nay đã hơn 17 năm, nhưng Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vẫn chưa hoàn thiện hình hài, nhiều hạng mục thuộc khu vui chơi bị hoen gỉ, xuống cấp. Trong khi đó, cuộc sống người dân liên quan đến dự án là các cụm dân cư số 1, số 2, số 4 gần như bị “treo”.
Nhiều hạng mục vui chơi trong Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô hiện đã hoen gỉ, xuống cấp
Nhiều hạng mục bị xuống cấp
Có mặt tại Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô có thể dễ dàng chứng kiến cảnh xuống cấp của công trình từng được đặt nhiều kỳ vọng này. Theo ghi nhận, hiện nhiều hạng mục thuộc khu vui chơi do không được duy tu, bảo dưỡng nên đã xuất hiện hiện tượng xuống cấp. Hệ thống công trình ống trượt, máng trượt, đu quay ngoài trời... nhiều bộ phận đã hoen gỉ. Hồ tạo sóng, bể bơi dù vẫn giữ được nét thiết kế hiện đại song trên bề mặt nước nổi lên đầy rong rêu, vàng ố.
Theo nhiều người dân địa phương, những hạng mục công trình này đã từng được đưa vào vận hành trong khoảng thời gian ngắn, đến khoảng thời điểm năm 2012 mới dừng hoạt động. Do không được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng lại chịu cảnh phơi mưa nắng nên nhanh chóng xuống cấp.
“Chúng tôi thấy bỏ hoang như vậy rất lãng phí, dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy được xử lý” – bà Dương Thị Bắc, Tổ trưởng Tổ dân phố 4B, phường Thanh Nhàn bức xúc.
Ngoài những hạng mục vui chơi bị bỏ hoang, gỉ sét, liên quan đến dự án xây dựng Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô, hiện hơn 1.000 hộ dân thuộc các khu dân cư 1, 2, 4 đang ngày đêm mòn mỏi bởi dự án bị treo. Việc xây dựng, cơi nới nhà cửa của người dân cũng gặp nhiều hạn chế.
Chưa hết, do nằm trong đất quy hoạch, không có sổ đỏ nên việc vay vốn, thế chấp ngân hàng để phát triển kinh tế của người dân cũng gặp nhiều ảnh hưởng. “Do không có sổ đỏ nên các hộ dân nơi đây đều phải cho con cái đi học trái tuyến. Việc cơi nới, xây dựng nhà cửa bị hạn chế nên nhân dân rất bức xúc” – bà Ngô Thị Thủy, Bí thư Chi bộ Cụm dân cư 4 cho biết.
Cần sớm xử lý
Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô được Thủ tướng giao đất tổ chức giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư tại Quyết định 442/QĐ-TTg ngày 13/4/2001. Theo quyết định này, diện tích đất dự kiến thu hồi thuộc phường Thanh Nhàn là 262.776m2. Do nằm ở vị trí chính giữa quận Hai Bà Trưng, dự án này hứa hẹn là một trong những điểm nhấn, phục vụ nhu cầu giải trí, vui chơi công cộng của người dân Thủ đô.
Đến ngày 6/5/2010, UBND TP Hà Nội tiếp tục có Quyết định 2035/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên theo hướng thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội. Theo chỉ đạo này, từ năm 2002 đến nay, việc thực hiện giải phóng mặt bằng được triển khai theo từng khu vực dự án.
Trong đó, phía Nam và Tây Bắc đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, phía Đông Bắc rộng 5,8ha đến giờ công tác thu hồi, giải phóng mặt bằng vẫn chưa có phương án triển khai thống nhất. Dự án ì ạch, hệ lụy nhãn tiền là hơn 1.000 hộ dân các khu 1, 2, 4 phải chịu cảnh “treo” các quyền lợi hợp pháp như cấp sổ đỏ, nhập khẩu…
Được biết, vì mòn mỏi trong dự án treo nên không ít lần người dân đã gửi văn bản đề nghị các cấp, ngành sớm vào cuộc đề ra giải pháp tháo gỡ. Chẳng hạn, ở khu dân cư số 4 theo ông Nguyễn Hữu Căn (ngõ 98 phố Kim Ngưu, phường Thanh Nhàn), hơn 576 hộ dân đã nhiều lần gửi văn bản, vào tháng 10/2014, tháng 10/2015 và tháng 9/2016 kiến nghị TP Hà Nội sớm đưa khu dân cư ra khỏi ranh giới dự án để họ được tự do sống trên mảnh đất của mình.
“Đã quá thời hạn thu hồi đất hàng chục năm mà dự án chưa được thực hiện, gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Chúng tôi có nhà, có đất nhưng không được cấp sổ đỏ, cho nên muốn thế chấp ngân hàng vay vốn phát triển kinh tế cũng không được.
Việc tách, nhập hộ khẩu khó khăn, nhà cửa chật chội, xuống cấp không được xây dựng, có nguy cơ mất an toàn... Đối chiếu với những quy định tại Luật Đất đai năm 2013, dự án này đã bị “treo” quá thời hạn nhiều năm, cần được thu hồi. Chúng tôi có một nguyện vọng nhanh chóng được đưa ra khỏi quy hoạch để ổn định cuộc sống” - ông Nguyễn Hữu Căn chia sẻ.
Trao đổi về những vấn đề liên quan, ông Triệu Như Long - Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn cho biết, với các hạng mục xuống cấp ở Công viên Tuổi Trẻ Thủ đô, phường đã đề xuất lên quận và thành phố để lên phương án xử lý. Hiện UBND quận đang cùng với Sở Xây dựng trình thành phố để xem xét và giải quyết.
Liên quan đến vấn đề quy hoạch “treo” gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trên địa bàn phường Thanh Nhàn, ông Long chia sẻ, theo quy định, với những trường hợp nằm trong quy hoạch đã có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều không được thực hiện việc cấp sổ đỏ.
UBND phường rất chia sẻ với các hộ dân ở trong đó. Số lượng hộ dân chịu ảnh hưởng từ dự án treo là trên 1000 hộ, chủ yếu ở khu 1, 2, 3, 4. Với ý kiến của người dân là điều chỉnh quy hoạch, phường cũng rất muốn nhưng thẩm quyền của phường, chính quyền địa phương chỉ là báo cáo và đề xuất.
“Về quy hoạch trong công viên, phường và quận đã đề xuất với thành phố. Vừa rồi, chúng tôi cũng trình rất nhiều phương án liên quan đến nội dung này và Sở Quy hoạch – Kiến trúc bây giờ cũng đang tham mưu cho thành phố xem xét để thực hiện theo đề xuất của phường và quận. Hiện đơn vị này đang trình thành phố những phương án có thể triển khai trong thời gian tới. Nếu thành phố chấp thuận phương án thì trong thời gian sớm nhất, sẽ triển khai” – đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết.
Sơn Bình (Pháp Luật VN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.