15/05/2021 8:23 AM
Nhiều nhà đầu tư săn đất dự án "đặt cọc" lướt sóng chốt lời lớn chỉ trong vài ngày. Những câu chuyện kiếm bạc tỷ trong thời sốt đất luôn là chủ đề nóng nhưng cũng có người lâm cảnh tay trắng với "công thức" giàu nhanh từ đất.

Một vốn bốn lời

Hai vợ chồng chị Mỹ Duyên đều là dân tỉnh lên Hà Nội làm việc, tổng thu nhập hàng tháng của cả hai vợ chồng khoảng 20 triệu đồng, trừ đi tiền thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, khoản tiền tiết kiệm để ra chẳng được bao nhiêu. Cuộc sống cứ bình lặng như vậy suốt 2 năm, vợ chồng chị Duyên không bao giờ dám nghĩ tới chuyện đầu tư đất đai, bởi suy nghĩ đầu tư đất đai cần một khoản tiền lớn, trong khi đó vợ chồng chị lại chưa có gì trong tay, hai bên gia đình cũng chẳng có điều kiện để hỗ trợ.

Cái "duyên" đất cát đến với chị Duyên trong thời gian gần đây, khi đất ở Hà Nam - quê chị lên cơn sốt. Một số khu đất được đưa ra đấu thầu, một số khu chuẩn bị ra sổ đỏ. Một số người làng "lướt cọc" đất, sau một đêm đã tiền tươi đút túi. Có được thông tin từ người thân ở quê, vợ chồng chị cũng dốc sạch tiền tiết kiệm 100 triệu đồng, đặt cọc một lô đất 700 triệu đồng. Chỉ sau vài ngày, lô đất có người mua, chị sang cọc, chốt lời luôn 80 triệu đồng.

Những câu chuyện kiếm bạc tỷ trong thời sốt đất luôn là chủ đề nóng nhưng cũng có người lâm cảnh tay trắng.

Với lợi thế có nguồn tin, chị nắm được một số thông tin tốt. Biết có mảnh đất khác "ngon", chị rót luôn 100 triệu đồng vốn cũ và 80 triệu đồng tiền lời, đặt cọc luôn lô đất đó giá hơn 1 tỷ đồng. Hôm trước vừa xuống cọc, hôm sau đã có người trả giá lãi 70 triệu đồng nhưng chị không bán. Sau một tuần, chị mới chốt sang cọc, lời đến 200 triệu đồng.

Sau 2 lần lướt cọc thành công, tổng vốn của chị đã thành 380 triệu đồng. Chị chia vốn ra, đặt cọc 2 lô đất nhỏ và cũng nhanh chóng có lời 70 triệu đồng/lô.

Chỉ trong thời gian ngắn, chị đã kiếm được cả nửa tỷ đồng, một số tiền trong mơ chị cũng không dám nghĩ tới. "Những mảnh mà tôi bán lướt, tôi lãi như vậy nhưng so với nhiều người thì cũng là ít thôi. Có người nhiều vốn, họ lướt mảnh to, hoặc có người dày vốn mua đứt luôn mảnh đất, lãi cả tỷ bạc. Nhưng tôi chấp nhận "ăn non", vốn ít mà trong thời gian ngắn kiếm được mức lãi như vậy là quá ổn rồi", chị Duyên tâm sự.

Vợ chồng anh Hoàng Tuân cũng "đi lên" từ số vốn nhỏ 100 - 200 triệu đồng như vậy. Vợ chồng anh sống ở Hà Nội nhưng chủ yếu đầu tư đất ở Quảng Ninh. Vợ chồng anh chủ yếu "săn" các dự án hot mở bán qua các sàn bất động sản. Có cậu em làm sale nên khi được sale thông báo có dự án, vợ chồng anh Tuân lại sắp xếp lên đường xem thực tế vị trí, đường sá, chủ đầu tư, dự kiến quy hoạch…

"Hàng nào tốt mở bán là dân đầu cơ chờ đông lắm. Thường thì ban đầu mình sẽ phải đặt cọc từ 50-100 triệu đồng, sau 7-10 ngày đóng tiếp 20%. Nếu chọn đúng dự án tốt, thì gần như mình cọc xong là đã có người hỏi mua lại rồi, thông thường cứ lãi khoảng 50 - 70 triệu đồng là tôi bán", anh Tuân kể.

Do biết phân tích thông tin, chọn được dự án tốt và gặp được sale người nhà có tâm nên nhờ những vụ "lướt cọc" như vậy, hiện vợ chồng anh Tuân đã mua được chung cư ở Hà Nội.

Mất ngủ, mất tình thân, ôm nợ...

Trong bối cảnh nhiều địa phương sốt đất, nhiều người kiếm tiền từ đất bằng cách "lướt cọc" vì vốn bỏ ra thấp, thu lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, đuổi theo "sóng" cũng đi kèm với những đêm trắng, mất ăn mất ngủ bởi biến động thị trường.

Anh Tuân thú nhận: "Nhiều buổi tối hai vợ chồng tôi đau đầu bàn bạc cân nhắc xem chọn mua cái nào, không mua cái nào. Vợ chồng tôi đều tính thận trọng, phân tích rất kỹ dự án mới xuống tiền nhưng đâu phải nhận định nào của mình cũng đúng. Cũng có dự án vợ chồng tôi phải đóng tiền đến đợt 3 mới bán được, chấp nhận lỗ".

Lao theo sốt đất không chỉ là cuộc chơi của những người lắm tiền mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn chỉ một vài trăm triệu cũng tham gia.

Còn chị Duyên tâm sự, tuy chị kiếm được khoản tiền lớn từ "lướt cọc" đất nhưng cũng đã phải đánh đổi một mối quan hệ tình thân. Vì không trực tiếp ở Hà Nam, nên khi đặt cọc mua mảnh thứ 2, thứ 3, chị nhờ một người em họ bán giúp, hoa hồng 20 triệu đồng. Về sau, chị phát hiện ra, cậu em này còn "ăn chênh" mỗi mảnh vài chục triệu. Khi chị về quê hỏi chuyện này thì hai bên xảy ra cãi vã, giờ khó mà nhìn mặt nhau.

Anh Minh Tiến, một môi giới cho biết, nếu lướt sóng nhà đầu tư sau khi bỏ ra một khoản tiền, căn cứ diễn biến thị trường sẽ tìm cách đẩy hàng trong khoảng thời gian dưới 6 tháng thì lướt cọc tại các dự án đất nền, căn hộ có biên độ thời gian "lướt" ngắn hơn, thường dưới chục ngày. Đây thường là khoảng thời gian quy định theo hợp đồng trước khi vào tiền đợt 1 hoặc đóng toàn bộ giá trị sản phẩm bất động sản.

"Số tiền người mua phải bỏ ra để cọc thường tương đương từ 5-10% giá trị sản phẩm bất động sản. Lướt cọc mạo hiểm hơn lướt sóng và cũng như lướt sóng, không phải nhà đầu tư nào cũng thành công khi "lao" vào trò chơi mạo hiểm này. Sau khi hết thời hạn cọc, nếu chưa đẩy được hàng, nhà đầu tư có tiềm lực tài chính có thể xuống tiền tiếp. Nhưng nhà đầu tư không có tiềm lực, không xoay được tiền, sẽ phải xác định mất cọc" - anh Tiến nói.

Chị Ngọc Linh (Hà Nội) kể, trước đó được một môi giới chơi thân giới thiệu một dự án đất ven biển miền Trung ra hàng sau khi xem xét thị trường, dự án chị đã quyết định cọc thiện chí 10 triệu để giữ lô đẹp rồi xuống cọc chính thức 50 triệu đồng cho 1 lô đất.

Theo quy định của hợp đồng, 7 ngày sau khi xuống cọc, chị sẽ phải vào tiền đợt 1 lô đất này. Thế nhưng không như tính toán trong một tuần trước khi vào tiền đợt 1, chị không đẩy được hàng và cũng không xoay được tiền để vào đợt 1 nên cuối cùng chấp nhận mất 50 triệu tiền cọc.

Anh Trần Minh (Ninh Bình) cho biết, vốn chưa bao giờ đầu tư lướt sóng hay lướt cọc nhưng sau Tết thấy đất sốt khắp nơi anh được một người bạn rủ đầu tư. Tin tưởng bạn đã kiếm được cả tỷ đồng nhờ lướt sóng thời gian vừa rồi. Tháng 3 vừa qua, anh dốc vốn 100 triệu đồng vay thêm 100 triệu đồng cùng bạn đặt cọc để "lướt sóng" 8 lô đất, 50 triệu đồng/lô ở dự án ven khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang. Những mong sẽ lướt được luôn nhưng dự án còn khá nhiều hàng trong khi khách lại không quá nhiều. Cơn sốt đất cũng đã dần hạ nhiệt.

Gần một tháng trôi qua vẫn chưa tìm được khách để "đẩy" hàng, chưa tháo được hàng, có nghĩa nhà đầu tư phải đóng tiền theo tiến độ, nếu không sẽ phải mất cọc. Nếu quyết định theo tiếp anh Minh phải vay thêm tiền. Tính đi tính lại anh chấp nhận mất cọc 4 lô, tay trắng quay về ôm nợ 100 triệu đồng.

Thời gian qua, những cơn sốt đất xảy ra khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Lao theo sốt đất không chỉ là cuộc chơi của những người lắm tiền mà các nhà đầu tư nhỏ lẻ với số vốn chỉ một vài trăm triệu cũng tham gia cuộc đua, đặt cọc nhanh, chốt lời nhanh rồi sang cọc.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường đất nền ở nhiều địa phương thời gian qua có hiện tượng tăng giá mạnh. Ngoài nguyên nhân đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để "thổi giá".

Ở góc độ nào đó, những nhà đầu tư lướt cọc, lướt sóng cũng chính là một trong những nguyên nhân làm khuấy đảo thị trường, gây nên các cơn sốt đất. Lướt sóng hay lướt cọc là những phương thức đầu tư mạo hiểm trong đầu tư bất động sản bằng cách bỏ ra số vốn ít và thu lời bằng việc bán chênh. Diễn biến khó lường của thị trường bất động sản trong các cơn sốt đất sẽ khiến nhiều người trở tay không kịp, nhà đầu tư dù giàu kinh nghiệm đến mấy vẫn có thể thất bại.

Hà An (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.