15/12/2020 2:40 PM
Hệ thống dây điện nổi tại TP HCM được thay thế dần bằng việc ngầm hóa giúp cải thiện mỹ quan đô thị, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư.

Những ngày cuối năm, nhiều con đường ở trung tâm TP HCM trở nên rực rỡ hơn với những tiểu cảnh, đèn trang trí đón Noel, Tết dương lịch. Đặc biệt, cảnh quan đường phố đã thoáng đãng, tầm quan sát rộng hơn rất nhiều so với trước bởi không còn bị những "mạng nhện" dây điện lẫn cáp viễn thông giăng mắc trên không.

Ngầm hóa gần 200 tuyến đường

Ghi nhận ở những tuyến đường trung tâm TP như Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Duẩn, Cô Bắc, Đề Thám (quận 1); Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Võ Văn Tần (quận 3); Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận); Châu Văn Liêm (quận 5)..., toàn bộ dây điện và cáp viễn thông đã được kéo ngầm, những nhánh rẽ được đưa vào các tủ điện nhỏ gọn trên vỉa hè hoặc bãi cỏ. Nhiều tuyến đường ở các quận khác cũng được ngầm hóa khá nhiều, hình ảnh dây điện, dây cáp các loại chen chúc trên trụ điện, làm mất mỹ quan đô thị sắp trở thành quá khứ.

Theo Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC), mục đích chính của việc ngầm hóa là để tạo nên không gian đô thị thông minh, an toàn cho người dân TP và giúp lưới điện vận hành an toàn. Ngầm hóa lưới điện cũng là một nội dung trong chương trình hiện đại hóa, quản lý lưới điện thông minh mà EVNHCMC đang triển khai.

"Từ các năm 2003-2005, EVNHCMC đã thực hiện thí điểm ngầm hóa lưới điện trên các tuyến đường Lê Lợi, Lê Duẩn, Nguyễn Huệ. Trong năm 2009-2010, EVNHCMC tiếp tục thí điểm 5 công trình ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông tại một số khu vực trung tâm TP như các khu vực xung quanh hội trường Thành ủy, chợ Bến Thành và các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Lê Thánh Tôn, Trương Định" - đại diện EVNHCMC nhớ lại những ngày đầu thực hiện.

Thí điểm thành công, tháng 5-2011, UBND TP thông qua Đề án "Ngầm hóa lưới điện TP HCM để nâng cao năng lực, độ tin cậy và an toàn cung cấp điện, kết hợp với ngầm hóa dây thông tin trên trụ điện giai đoạn đến năm 2020" với mục tiêu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện trung, hạ thế cho khu vực nội thành TP và ngầm hóa các khu trung tâm hành chính, thương mại tại các quận, huyện còn lại.

Kết quả sau 10 năm, TP đã hoàn thành 240 dự án ngầm hóa tại 195 tuyến đường. Trong đó, giai đoạn 2011-2015 hoàn thành 97 dự án ngầm hóa tại 74 đoạn tuyến đường với 350 km lưới điện trung thế, 576 km lưới điện hạ thế; giai đoạn 2016-2020 hoàn thành 143 dự án ngầm hóa tại 121 đoạn tuyến đường với 675 km lưới điện trung thế, 1.160 km lưới điện hạ thế.

Mới đây, báo cáo UBND TP về kết quả 10 năm thực hiện ngầm hóa lưới điện kết hợp cáp viễn thông trên địa bàn, Sở Công Thương TP cho biết đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề án đề ra. Cụ thể, tỉ lệ ngầm hóa lưới điện trung thế toàn TP tăng từ 25% trong năm 2011 lên 45% vào cuối năm 2020 (kế hoạch đề ra là 35%); cơ bản hoàn tất ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông khu vực trung tâm TP; khu vực nội thành các quận 4, 5, 6, 10, 11, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú và Gò Vấp đạt tỉ lệ 60%. Hoàn tất cải tạo ngầm hóa lưới điện và dây thông tin tại những tuyến đường chính trong khu vực nội thành, tuyến đường liên quận và hoàn tất ngầm hóa lưới điện tại tất cả tuyến đường có tên trong khu vực trung tâm TP thuộc quận 1 và quận 3.

"Các dự án ngầm hóa lưới điện kết hợp ngầm hóa cáp viễn thông được thực hiện hoàn tất đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc nâng cao mỹ quan đô thị TP, hệ thống dây thông tin được ngầm hóa đồng bộ với lưới điện tạo thành hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật lưới điện và dây thông tin theo tiêu chuẩn đô thị hiện đại, tạo điều kiện môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế xã hội của TP" - báo cáo nêu rõ.

10 năm ngầm hóa lưới điện TP HCM - Ảnh 1.

Một góc tuyến đường Lý Thường Kiệt, quận 10, TP HCM thoáng đãng sau khi ngầm hóa lưới điện và cáp viễn thông. Ảnh: Tấn Thạnh

Còn nhiều khó khăn

Mười năm qua, dù quá trình ngầm hóa đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng việc triển khai đã đối diện với không ít khó khăn. Theo ban lãnh đạo EVNHCMC, do TP có nhiều công trình ngầm như cấp thoát nước, viễn thông, điện lực… nên quá trình ngầm hóa gặp nhiều khó khăn trong việc thỏa thuận tuyến, liên tục phải xử lý xung đột dẫn đến sửa đổi, hiệu chỉnh thiết kế nhiều lần; nhiều dự án phải điều chỉnh tiến độ do các đơn vị liên quan bàn giao mặt bằng chậm. Việc tái bố trí các tủ điện hạ thế sau khi ngầm hóa đường dây cũng gặp một số trở ngại.

"Sau khi thực hiện ngầm hóa, các thiết bị trước đây lắp đặt trên trụ điện như máy biến thế, tủ đóng cắt (RMU) và tủ điện hạ thế phải bố trí lại trên vỉa hè. Tuy nhiên, vỉa hè của một số tuyến đường khá chật hẹp; thậm chí không có vỉa hè hoặc đã bố trí nhiều hệ thống hạ tầng, gây khó khăn trong việc tìm kiếm, bố trí vị trí lắp đặt thiết bị. Trong khi đó, tâm lý một số người dân không muốn lắp đặt trạm biến thế, thiết bị điện trước nhà nên dù đã thực hiện đầy đủ các bước thỏa thuận vẫn không thể triển khai, phải thỏa hiệp và sửa đổi thiết kế dẫn đến kéo dài thời gian thi công" - EVNHCMC nêu thực tế.

Ngoài ra, khó khăn còn đến từ thực trạng một số sở, ngành và UBND quận, huyện chưa nhiệt tình tham gia hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ngầm hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về kế hoạch ngầm hóa trong thời gian tới, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết giai đoạn 2021-2025, TP sẽ hoàn tất ngầm hóa 500 km lưới điện trung thế, 800 km lưới điện hạ thế ở các tuyến đường liên quận, các tuyến thuộc khu vực trung tâm hành chính và những tuyến đường chính đã được quy hoạch ổn định của các quận, huyện. Theo đó, đến năm 2025, tỉ lệ ngầm hóa ở TP sẽ đạt 50%-60% lưới điện trung thế, trong đó các quận 1, 3, 5 đạt xấp xỉ 100%; những quận nội thành khác đạt 80%-90% và các quận còn lại đạt 60%-80%.

"Để triển khai tốt hơn nữa công tác ngầm hóa trong thời gian tới, sở đã kiến nghị TP xây dựng quy hoạch hạ tầng ngầm đô thị, làm cơ sở cho các đơn vị quản lý hạ tầng, trong đó có ngành điện, làm căn cứ thực hiện. Ngoài ra, cần nghiên cứu áp dụng công nghệ 3D GIS trong quản lý hạ tầng ngầm lưới điện, phục vụ dữ liệu không gian dùng chung của TP, tạo thuận lợi cho quá trình thiết kế, thỏa thuận tuyến đến giai đoạn thi công để hạn chế đầu tư chồng chéo, không đồng bộ. Cùng với đó là khẩn trương xây dựng được quy chế phối hợp giữa các sở, ban ngành TP và giữa các đơn vị quản lý hạ tầng, chủ đầu tư dự án giao thông trong triển khai các dự án ngầm hóa" - ông Đông đề xuất.

Mong được hỗ trợ lãi suất 100%

Sở Công Thương TP HCM cũng đề nghị UBND TP đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ, cơ chế ưu đãi như hỗ trợ lãi vay theo chương trình kích cầu đầu tư của TP, xem xét điều chỉnh nâng tỉ lệ hỗ trợ lãi suất từ 50% như hiện nay lên 100% để tiến hành các dự án ngầm hóa.

Theo Sở Công Thương, đã có 187 dự án ngầm hóa với tổng mức đầu tư 8.072 tỉ đồng được đưa vào chương trình kích cầu hỗ trợ lãi suất của TP, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 4.568 tỉ đồng. Riêng giai đoạn 2016-2020, tổng số tiền lãi vay được hỗ trợ là 350 tỉ đồng.

Thanh Nhân (Người Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.