Điều khiến dư luận quan tâm là số phận của 16 dự án vừa bị Hà Nội "huýt còi" sẽ ra sao khi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội lại vừa đề xuất lên lãnh đạo TP giải thể tổ rà soát các dự án, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội mở rộng.

Công bố của Sở Quy hoạch Kiến trúc (QH-KT) Hà Nội về việc tạm dừng triển khai 16 dự án, trong đó có tới 8 dự án về bất động sản đã tạo nên những thông tin phản ứng trái chiều, kể cả từ phía Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, đây không phải là danh sách mới mà đã rất nhiều lần, trong các đợt rà soát tổng thể các dự án của UBND TP Hà Nội đã nhắc đến 16 dự án này và việc tạm dừng hoàn toàn hợp lý trong khi Hà Nội chưa có quy hoạch phân khu cụ thể sau Quy hoạch chung Thủ đô.


Thực tế, chuyện 16 dự án sẽ tạm dừng để chờ Quy hoạch chung Hà Nội và quy hoạch phân khu đã có từ gần 1 năm trước và khi ấy, các chủ đầu tư đã có những phản ứng trái chiều với quan điểm của Hà Nội. Ngay cả Bộ Xây dựng, vào thời điểm đó cũng đã cho rằng, việc Hà Nội tạm dừng các dự án này sẽ gây hệ quả tiêu cực không chỉ đối với các chủ đầu tư mà cả người dân đã đổ tiền đầu tư vào các dự án này.



Xung quanh việc tạm dừng triển khai 16 dự án ở Hà Nội

Những khu đô thị đang phải chờ quy hoạch phân khu.


Thời điểm công bố danh sách tạm dừng các dự án, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho biết, những dự án thuộc diện tạm dừng là dựa trên những cơ sở pháp lý do UBND thành phố phê duyệt. Việc rà soát các dự án đầu tư, đồ án xây dựng trên địa bàn Hà Nội mở rộng đã được thực hiện từ trước thời điểm 1/8/2008.


Nếu tính sau thời điểm 1/8/2010, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Xây dựng và TP Hà Nội cũng đã triển khai được 2 đợt rà soát, trong đó, riêng đợt I được chia thành 3 giai đoạn. Sau gần 3 năm, tới nay, công tác rà soát mới cơ bản hoàn thành.


Trong giai đoạn 1 và 2 của đợt I, đã có 98 đồ án, dự án được cho phép tiếp tục triển khai. Tới giai đoạn 3, trong tổng số 146 dự án, đồ án còn lại, liên ngành thành phố đề xuất có 55 dự án được triển khai tiếp, 75 dự án cần phải tiếp tục khớp nối về hạ tầng kỹ thuật, bổ sung các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội hoặc điều chỉnh cục bộ về quy hoạch. Đặc biệt, có 16 dự án sẽ phải tạm dừng, chờ Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch phân khu.


Các đề xuất này của liên ngành đều đã được UBND TP Hà Nội chấp thuận. Sau đó, Sở QH-KT mới có thông báo về danh mục các dự án trên trang web của Sở và một số phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Theo ông Định, có nhiều nguyên nhân để tạm dừng các dự án trên, trong đó có 8 dự án cụm công nghiệp, làng nghề nằm trong phạm vi phát triển đô thị và 7 dự án có vị trí trong phạm vi hành lang xanh hoặc ảnh hưởng bởi hướng tuyến của trục hồ Tây - Ba Vì.


Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa “chốt” là sẽ cho tiếp tục hay vẫn tạm dừng đối với 16 dự án trên. Trong khi đó, cách đây hơn nửa tháng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý vừa đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép giải thể tổ công tác liên ngành thành phố về rà soát các dự án, đồ án quy hoạch trên địa bàn Hà Nội mở rộng.


Trong Văn bản số 1260, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tổ này đã hoàn thành nhiệm vụ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trước đó, tổ công tác này đã báo cáo kết quả 2 đợt rà soát các dự án, đồ án quy hoạch tại Hà Nội. Trong đợt I, Chính phủ đã cho phép triển khai 244 đồ án, dự án. Trong đợt II, tổ này đề xuất 202 dự án, đồ án được tiếp tục triển khai với tổng diện tích hơn 21.400 ha. Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ chưa có ý kiến chỉ đạo về kết quả rà soát 202 dự án, đồ án nói trên.


Trong cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP Hà Nội với các sở ngành mới đây, Sở QH-KT vẫn báo cáo danh sách 16 dự án tạm dừng để chờ đồ án quy hoạch phân khu, các đồ án này được Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội thực hiện, dự kiến thẩm định xong trong năm 2012. Như vậy, 16 dự án trên vẫn “lơ lửng” chưa rõ “số phận” của mình sẽ ra sao.


Sở QH-KT cũng đã đề xuất cần đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu tại những dự án phải điều chỉnh thuộc khu vực phía đông vành đai 4 và địa bàn Đông Anh, Mê Linh. Ngoài ra, các nhà đầu tư có dự án thuộc diện phải điều chỉnh còn lại cần liên hệ với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội để cập nhật thông tin quy hoạch.


Về phía viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, đơn vị được giao lập quy hoạch các phân khu, bà Lã Thị Kim Ngân – Giám đốc khẳng định, cơ quan này đã lập quy hoạch các dự án phân khu phía Đông vành đai 4, trong tháng 11 sẽ báo cáo UBND thành phố. Ngoài ra, Viện sẽ hoàn tất yêu cầu của Sở QH-KT về 5 quy hoạch phân khu phía bắc. Nhưng đến thời điểm này, vẫn chưa có quy hoạch nào được trình lên UBND TP Hà Nội.


Hơn lúc nào hết, nhất là trong thời điểm giá bất động sản đang “chìm” như hiện nay, các chủ đầu tư và cả người dân đều mong muốn các cơ quan quản lý của Hà Nội cần nhanh chóng có quyết định rõ ràng, minh bạch đối với các dự án đang trong “tầm ngắm”, tạm dừng hoặc thu hồi để có các quyết định đầu tư đúng đắn.


Theo Sở QH-KT, trong 16 dự án này, huyện Hoài Đức có 6 dự án, gồm các điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp Di Trạch (9,99ha), Đại Tự (7,9ha), La Phù mở rộng (40,8ha), khu nhà ở hỗn hợp Phương Bắc (0,6ha), khu nhà ở biệt thự Nguyên Ngọc (1,03ha). Huyện Mê Linh có 3 dự án, gồm: khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (141,84ha), văn phòng và khu biệt thự nhà vườn Tiến Phong (2,56ha), khu đô thị Gofl Vinashin (240ha). Huyện Thường Tín có 3 dự án phải tạm dừng chờ quy hoạch phân khu, gồm cụm công nghiệp Habeco (76,88ha), khu đô thị thương mại dịch vụ nhà ở Habeco Hạ Hồi Quất Động (50,72ha), cụm công nghiệp Quất Động mở rộng (43,5ha)…


Theo Chi Linh (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.