Bà An nói: “Phải xem lại thực trạng đời sống để biết nông dân cần gì trong sản xuất chứ nếu thu hoạch mà không bán được thì rất khó phát triển. Cần tạo ra nhiều công ty, hiệp hội, tổ chức có trách nhiệm bảo đảm công việc, đời sống cho người nông dân, nâng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Nếu để 1 tấn lúa có giá không bằng 1 chai rượu thì nông dân sẽ còn bỏ ruộng”.
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng: “Con số bỏ ruộng hoang hoặc trả lại ruộng thì không phải là lớn, nhưng cũng là sự cảnh báo rằng chúng ta chưa bảo đảm cuộc sống cho người nông dân trên mảnh ruộng của mình”.
Đồng tình với các quan điểm trên, đại biểu Đào Trọng Thi (Hà Nội) cho biết thêm: “Thực chất, bình quân diện tích ruộng trên đầu người làm nông còn thấp. Lý do của việc nông dân bỏ ruộng là do nghề nông không đủ sống nên nông dân không thể theo đuổi nghề nông và phải chuyển sang công việc khác để mưu sinh”.
Đóng góp giải pháp để khắc phục, giải quyết tình trạng này, ông Thi chia sẻ: “Giải pháp trực tiếp là phải có những chính sách bảo đảm cho người nông dân có quyền lợi chính đáng trong hoạt động nông nghiệp, bảo đảm thu nhập cho họ và gia đình họ. Về lâu dài, cần có chính sách tạo ra hoạt động hiệu quả, phù hợp với quá trình tích tụ diện tích đất nông nghiệp để xây dựng nền nông nghiệp với quy mô lớn hơn, có tính chuyên nghiệp cao hơn”.
Ông Trần Hoàng Ngân cũng nhận định: “Trong thời gian tới, vai trò của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp phải được nâng cao. Cụ thể, phải có doanh nghiệp nhà nước hỗ trợ nông nghiệp. Hiện các doanh nghiệp dạng này còn ít, chúng ta phải hình thành thêm doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực này”.
"Trong tương lai, hiện tượng nông dân bỏ ruộng là đương nhiên, nhưng cần có biện pháp để việc này xảy ra có tổ chức và sự ứng phó kịp thời để chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn”. |