PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chuyện xây nhà không phép và xử lý không mới, nhưng vì sao vẫn không có “bài thuốc” hữu hiệu?
-GS.TS NGUYỄN MINH HÒA: - Đúng là chuyện xây nhà không phép, sai phép có quy mô lớn đã xảy ra nhiều năm tại TPHCM. Ngoài những vụ việc lẻ tẻ do địa phương xử lý, từ trước tới nay chúng ta cũng đã chứng kiến những đợt xử lý rất quy mô từ chỉ đạo của TP đối với nhà không phép, sai phép. 830 trường hợp nhà, công trình không phép cần phải tháo dỡ tại huyện Bình Chánh, đó là chưa kể đến những quận, huyện khác cho thấy con số thiệt hại không nhỏ.
Điều đáng nói, phần lớn công trình sai phạm là nhà ở của người nghèo, người lao động phổ thông nhập cư, sau nhiều năm dè sẻn để thực hiện mơ ước cả đời là an cư lạc nghiệp.
Nhìn vào bản chất sâu xa của sự việc, chúng ta sẽ thấy có lỗ hổng lớn trong hệ thống nhà nước ở đô thị. Lâu nay việc quản lý đất đai, quy hoạch-kiến trúc và xây dựng ở cơ sở được coi là nhiệm vụ của cán bộ cấp phường.
Khoản 1, Điều 10, Nghị định 180 (năm 2007) quy định chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn được quyết định đình chỉ thi công xây dựng; quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm theo thẩm quyền; chịu trách nhiệm về tình hình vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn...
Chính vì điều khoản này mà các vị lãnh đạo cấp phường, xã hiện đang phải giơ đầu ra hứng toàn bộ trách nhiệm thay cho các cơ quan chức năng. Theo tôi, đúng là ông chủ tịch phường có lỗi nhưng đổ hết cho họ là không ổn.
Cho dù họ mẫn cán, công minh cũng không thể làm gì được trước tình trạng này, bởi họ chỉ được phân cấp mà không có phân quyền và thực quyền, không có bộ máy và công cụ hỗ trợ. Họ cũng chỉ làm báo cáo, đề xuất lên cấp trên và chờ đợi. Họ không dễ gì ra quyết định phạt, mà ra được quyết định phạt và cưỡng chế có khi còn lôi thôi hơn, bởi chuyện đó liên quan đến công an, tài chính, tòa án mà chưa chừng còn bị kiện ra tòa.
Cho nên không phải thấy đào móng nhà là phạt được ngay. Hơn thế nữa, những người xây nhà không phép nhiều khi lại là người bà con lối xóm “sáng chạm mặt, chiều chạm mũi” nên không phải không có tình trạng nể nang nhau.
Cao ốc BMC được hợp thức hóa từ sai thành đúng. Ảnh:Long Thanh
- Như vậy nguyên nhân vẫn là “cơ chế”?
- Ở nhiều nước trên thế giới, bộ máy quản lý cấp phường, xã là bộ phận được ủy quyền quản lý hành chính nhà nước theo địa bàn. Đây thực chất là cơ quan quản lý hành chính, họ chỉ làm các việc quản lý liên quan đến hành chính như khai báo sinh, tử, chứng thực giấy tờ… còn việc quản lý quy hoạch, xây dựng, an ninh trật tự được giao cho những bộ phận chuyên trách của TP.
Đó là những đơn vị chức năng, có đội ngũ cán bộ được đào tạo chuyên nghiệp, có quyền lực, có quyền huy động các lực lượng liên ngành tham gia, có công cụ mạnh, có phương tiện kỹ thuật hỗ trợ (máy móc, xe cộ) cho phản ứng nhanh, có tài chính.
Lực lượng này thường là cảnh sát môi trường (Hàn Quốc, Philippines); cảnh sát trật tự xã hội, thanh tra xây dựng (Trung Quốc).
Lực lượng này can thiệp ngay lập tức sau khi nhận được thông báo của địa phương, xử lý ngay những hành vi sai trái, không để tình trạng thỏa hiệp và tiêu cực dây chuyền xảy ra. Những người có ý đồ xấu, các quan tham nhũng, các “cò” và bản thân người dân cũng hiểu không thể kiếm chác được gì trong chuyện này.
Ngoài ra do cách hành xử không đúng của cơ quan công quyền, khi cứng quá (nhưng không duy trì liên tục), khi lại mềm trên tinh thần thỏa hiệp, đưa đến “cái sảy nảy cái ung”. Vòng tua diễn ra lâu nay thành truyền thống là xây cất vi phạm -> phạt -> cho tồn tại -> hợp thức hóa.
Chuyện này không chỉ ở ngoại thành mà ngay cả ở trung tâm TP. Thí dụ cao ốc Bảo Việt trên đường Đồng Khởi, cao ốc BMC trên đại lộ Võ Văn Kiệt… đều được hợp thức hóa từ sai thành đúng. Chính điều đó đã thúc đẩy người dân, các chủ thầu xây dựng, cò đất và cả quan chức địa phương rơi vào tâm lý đám đông, hùa nhau làm cho dù biết là sai luật.
Kết cục là chủ thầu được hưởng lợi, cò rủng rỉnh tiền, quan chức có chút lộc, còn người chịu thiệt hại chính là người nghèo nhẹ dạ cả tin.
- Mô hình chính quyền đô thị sẽ giải quyết được những tồn tại trên?
- Việc vắng bóng lực lượng thanh tra xây dựng cấp phường tại cơ sở trong hơn 4 tháng qua, cho thấy sự nhận thức chưa tới và hành động chưa kín kẽ của lãnh đạo sở, ngành, góp phần tạo cơ hội cho những thành phần tiêu cực nổi lên.
Hy vọng trong mô hình chính quyền đô thị của TPHCM tới đây, việc xác định chức năng rõ ràng và cách thức phối kết hợp giữa quản lý địa bàn và quản lý chức năng theo ngành dọc sẽ được thực hiện tốt hơn, lực lượng thanh tra thuộc Sở Xây dựng được chuyên nghiệp hóa hơn. Khi đó các tiêu cực trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, an ninh trật tự sẽ giảm dần, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn.
- Xin cảm ơn GS.