Đoạn đường có chiều dài 1,7 km từ ngã ba Đầu Rồng đến đền Kiếp Bạc (Chí Linh, Hải Dương) mặc dù chưa được hoàn thiện, nhưng đã có hàng chục hộ dân lấn chiếm mặt bằng, xây tường bao kiên cố sát mép đường giao thông, gây bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, vẫn chưa có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương.

Không chỉ xây tường bao, nhiều hộ dân xây cả nhà kho lấn chiếm lòng đường vào đền Kiếp Bạc.

Vô tư lấn chiếm mặt bằng

Dự án đường từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc (dài 5,1km) nằm trên địa bàn hai xã Hưng Đạo, Lê Lợi và phường Cộng Hòa (TX Chí Linh) được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 729/QĐ-UBND ngày 30-3-2012, với tổng mức đầu tư hơn 715 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012 đến 2015, thuộc Dự án tổng thể Bảo tồn khu di tích lịch sử - văn hóa Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch TX Chí Linh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010. Nhưng, đến nay dự án được triển khai rất chậm so với tiến độ đề ra và việc hàng chục hộ dân đang tái lấn chiếm mặt bằng sau khi đã nhận bồi thường đang diễn ra rất đáng lo ngại.

Đoạn đường từ ngã ba Đầu Rồng đến ngã ba rẽ vào đền Kiếp Bạc, đền Nam Tào dài 1,7 km, thuộc giai đoạn một của dự án vẫn còn một số hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Chính giữa hai ngã ba vẫn sừng sững hai cột điện cao áp án ngữ, gây nguy hiểm cho người và các phương tiện tham gia giao thông. Đoạn đường này mặc dù đã được Nhà nước đầu tư cả trăm tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), song ngay lập tức đã bị hàng chục hộ dân tái lấn chiếm. Các hộ dân lấn chiếm hết phần lề đường, xây dựng tường bao kiên cố sát mép đường giao thông và xây bao luôn cả hệ thống cột điện cao áp của ngành điện trước sự làm ngơ của chính quyền địa phương và sự thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư dự án - Ban Quản lý Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Từ ngã ba An Lĩnh vào đến ngã ba Đầu Rồng có chiều dài 3,4 km đến nay công tác GPMB vẫn chưa được hoàn tất. Khu vực bãi đỗ xe số 3 (thôn Bến, xã Lê Lợi), theo quy hoạch có diện tích 3.000 m2, nhưng mới bàn giao mặt bằng được 2.000 m2. Phần đất lúa cần phải GPMB có tổng diện tích 48.965 m2, tới nay mới bàn giao được 24.000 m2. Đoạn đường này mặc dù chưa tiến hành thi công, nhưng đã có một số hộ dân tái lấn chiếm mặt bằng, gây phức tạp cho việc thi công giai đoạn hai. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương Tạ Hồng Minh, việc đang xảy ra tại đoạn đường vào đền Kiếp Bạc là rất nghiêm trọng. Điều đó cản trở việc xây dựng, sử dụng các hạng mục công trình, trồng cây xanh trên diện tích đất bị tái lấn chiếm và sẽ là tác nhân gây chậm tiến độ của cả dự án.

Đối với dự án này, UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần phê bình chủ đầu tư, nhà thầu và địa phương chậm trễ trong việc GPMB, tiến độ thi công. Gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển đã yêu cầu: Chủ đầu tư, nhà thầu phải lập lại phương án thi công công trình, đẩy nhanh tiến độ thi công, trong quá trình thi công có những vướng mắc cần tập trung giải quyết. Chủ đầu tư, UBND thị xã Chí Linh và các đơn vị liên quan cần tổ chức đối thoại với các gia đình chưa nhận tiền đền bù GPMB, cần thiết sẽ xây dựng kế hoạch cưỡng chế để giải phóng, bàn giao mặt bằng. Nhà thầu cần tập trung nguồn lực, tập trung thi công khẩn trương hoàn thiện giai đoạn một của dự án để kịp thời phục vụ lễ hội mùa thu.

Kiên quyết dỡ bỏ các công trình xây dựng vi phạm

Qua tìm hiểu của phóng viên, trước năm 2015 đã xuất hiện một vài gia đình ở xã Hưng Đạo xây tường bao lấn chiếm ra sát mặt đường, nhưng không bị chính quyền, chủ đầu tư kiên quyết xử lý triệt để. Việc xử lý mới dừng ở mức lập biên bản vi phạm rồi "cho" tồn tại. Vậy là "trăm hoa đua nở", nhà nọ nhìn nhà kia đua nhau xây tường bao lấn chiếm. Việc tái lấn chiếm đường vào khu di tích quốc gia đặc biệt ở xã Hưng Đạo đã khiến dư luận vô cùng bức xúc.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương, thanh tra giao thông dung túng cho các hộ dân làm liều, còn chủ đầu tư thì quá yếu kém, cho nên đã để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng ở khu vực di tích quốc gia đặc biệt. Ông Trần Hữu Dân, một du khách đến từ Nam Định bày tỏ: Tôi rất ngạc nhiên bởi tỉnh Hải Dương xây dựng con đường đôi, rộng rãi vào khu di tích mà không có lấy một chút vỉa hè dành cho người đi bộ. Như vậy, vào những dịp đại lễ dòng người trẩy hội buộc phải chen lấn cùng với dòng xe cơ giới và các phương tiện giao thông, cảnh tượng đó chắc rằng rất hỗn loạn...

Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo Phạm Khắc Toàn cho rằng: Trách nhiệm quản lý đoạn đường 1,7 km này không phải là của xã. Tôi cũng không nắm được có bao nhiêu hộ dân trong xã đã tái lấn chiếm mặt bằng, xây dựng trái phép bao nhiêu m2 tường bao... Lỗi để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm nêu trên là do phòng quản lý đô thị của TX Chí Linh không xử lý kiên quyết ngay từ đầu. Ông Nguyễn Khắc Minh, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc thì dửng dưng: Việc người dân tái lấn chiếm mặt bằng hai bên hành lang đường để xây tường rào, Ban Quản lý không thể ngăn được, mặc dù điều đó làm xấu cảnh quan, gây ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của khu di tích.

Việc chủ đầu tư dự án và chính quyền sở tại thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, để hàng chục hộ dân tái lấn chiếm mặt bằng, xây dựng hệ thống tường bao "hoành tráng" ở cả hai bên lề đường tại công trình trọng điểm thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt là không thể chấp nhận. Thiết nghĩ, Côn Sơn - Kiếp Bạc là biểu tượng văn hóa, niềm tự hào của đất và người Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây mỗi năm đón tiếp hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế cho nên mỗi người dân địa phương cần phải có trách nhiệm giữ gìn, tôn tạo và bảo vệ những giá trị văn hóa.

Để giữ nghiêm kỷ cương phép nước, UBND tỉnh Hải Dương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các ngành liên quan cần kiểm tra, xem xét làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng kéo dài tại tuyến đường vào khu di tích Kiếp Bạc. Các hộ dân cần tự giác tháo dỡ ngay các công trình xây dựng trái phép trên đất tái lấn chiếm để bảo đảm an toàn giao thông và bảo đảm cảnh quan cũng như sự tôn nghiêm của khu di tích quốc gia đặc biệt.

"Nhiều gia đình vẫn tiếp tục xây tường bao sát mép rãnh, dọc theo hành lang an toàn đường bộ từ ngã ba Đầu Rồng vào đền Kiếp Bạc làm hạn chế tầm nhìn, gây mất an toàn giao thông và không còn đất để lắp đặt hệ thống biển báo hiệu đường bộ".

QUẢN ĐỨC CHIẾN

Phó Giám đốc đơn vị quản lý dự án.

"Chủ đầu tư dự án, các đơn vị chức năng khẩn trương kiểm tra, xác minh diện tích, cắm mốc giới rõ ràng đối với tất cả các hộ dân sống ven đường, giao cho địa phương quản lý để tránh tái diễn tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng trong giai đoạn 2".

NGUYỄN HỮU HẠNH

Chủ tịch UBND xã Lê Lợi.

Chủ đề: Trật tự xây dựng,
Quốc Vinh (Nhân Dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.