Cách đây 3 năm, chính quyền xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã xây dựng khu tái định cư ở vùng Mốc Định để bà con yên tâm về mùa mưa lũ. Ngày khởi công, người dân khấp khởi mừng thầm. Song, khi hàng chục ngôi nhà đã được dựng lên, người dân lần lượt bỏ khu tái định cư, bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng như ruộng vườn, đất đai nhìn đâu cũng thiếu.

Xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình là vùng đất chưa nắng đã hạn, chưa mưa đã lụt. Đời này qua đời khác, người dân nơi đây đã phải gồng mình chống chọi với sự hà khắc của thiên nhiên. Cách đây 3 năm, chính quyền địa phương đã xây dựng khu tái định cư ở vùng Mốc Định để bà con yên tâm về mùa mưa lũ. Ngày khởi công, người dân khấp khởi mừng thầm. Song, khi hàng chục ngôi nhà đã được dựng lên, người dân lần lượt bỏ khu tái định cư, bởi hệ thống điện, đường, trường, trạm cũng như ruộng vườn, đất đai nhìn đâu cũng thiếu.

Hoang tàn khu tái định cư

Nhớ lại những trận lũ chồng lên lũ, người dân xã Hồng Thuỷ vẫn rùng mình. Năm 2009, khi khu tái định cư tránh lũ ở Mốc Định đưa vào sử dụng, 52 hộ dân đầu tiên của xã Hồng Thuỷ phấn khởi về nơi ở mới. Còn nhớ lúc vận chuyển đồ dùng sinh hoạt, nhiều người dân mừng đến ứa nước mắt vì cảnh chạy lụt bao đời từ nay sẽ chấm dứt. Để cộng sức với người dân, tỉnh Quảng Bình đã hỗ trợ thêm mỗi hộ dân 10 triệu đồng và 3 sào đất để phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Giữa mênh mông cát trắng, hàng chục ngôi nhà lần lượt được xây dựng nằm san sát. Những ấp ủ, hy vọng vào tương lai xán lạn gõ cửa mỗi nóc nhà. Một số hộ dân nhanh chóng vay mượn cầm cố để lấy tiền mua cây giống, vật nuôi để bắt đầu cuộc sống mới. Thế nhưng, chỉ chưa đầy 5 tháng sau, người dân chân lấm tay bùn mới phát hiện, nơi mình đang sống chẳng khác gì vùng "đất chết" bởi giữa mênh mông vùng cát trắng chỉ có cây dương liễu mới có thể sống sót. Những cây lương thực như lúa, khoai, ngô, sắn không thể trồng được. Khí hậu khắc nghiệt, kinh nghiệm sản xuất không có, nên những đồng vốn ít ỏi của bà con lần lượt cạn kiệt.

Hàng chục căn nhà ở khu tái định cư bỏ hoang.

Không thể sống ở khu tái định cư, lần lượt 40 hộ gia đình bỏ vùng quê mới. Một số hộ gia đình còn đất nên quay về chỗ ở cũ, số còn lại đã bán hết vườn tược nên phải gồng gánh tha hương. Hàng chục căn nhà như "bao diêm" vắng ngắt, cảnh tiêu điều bao trùm cả khu tái định cư. Xót xa dạo quanh khu tái định cư chúng tôi mới gặp được chị Lê Thị Hằng, một trong những hộ dân ít ỏi còn bám trụ lại nơi đây ngậm ngùi: "Ở chỗ cũ, mỗi năm chạy vài lần lũ lụt, tưởng lên đây để thay đổi cuộc sống, nhưng ai ngờ lại khổ hơn nơi ở cũ. Nhà tui được cấp 3 sào đất toàn cát nên chẳng trồng được cây gì cho ra hồn"...

Xây dựng khu tái định cư theo kiểu "đánh trống bỏ dùi"

Theo quy định của Chính phủ, các địa phương khi xây dựng các khu tái định cư cho người dân cần nghiêm túc thực hiện "chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ". Song ở khu tái định cư Mốc Định, Lệ Thuỷ, Quảng Bình, địa phương làm theo kiểu chắp vá, "đánh trống bỏ dùi" để mặc người dân đánh đu với cuộc sống mới. Việc huyện Lệ Thuỷ chọn địa điểm xây dựng khu tái định cư không hề phù hợp, cộng với việc xây dựng các công trình dân sinh không đúng điều kiện sinh hoạt của bà con nên người dân bỏ khu tái định cư là đúng. Hệ thống thoát nước ở khu tái định cư cao hơn cả vườn tược, sân nhà người dân nên chỉ cần một trận mưa rào là toàn bộ hoa mùa người dân chăm bón ngập chìm trong nước. Đã thế hơn 3 năm lên vùng tái định cư nhưng người dân nơi đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chị Phạm Thị Đơn, một trong 12 hộ còn bám trụ ở khu tái định cư chia sẻ: "Vì chưa có sổ đỏ để thế chấp nên nhiều hộ gia đình trẻ muốn vay vốn phát triển chăn nuôi cũng gặp nhiều trở ngại. Giờ chúng tôi vẫn giống như đi ở nhờ, nên chẳng ai mặn mà gì nơi ở mới". Được biết, khi người dân về khu tái định cư, để giúp người dân yên tâm sản xuất, phát triển chăn nuôi, huyện Lệ Thuỷ đã hỗ trợ cho khu tái định cư 6 con trâu, bò luân phiên nhau mỗi hộ nuôi 1 năm để gây dựng con giống. Kiểu hỗ trợ "cha chung không ai khóc" nên các con giống cũng chẳng ai chăm sóc. Được biết, nguyên nhân khiến khu tái định cư Mốc Định, ở xã Hồng Thủy chưa phát huy được hiệu quả là do Ban quản lý dự án huyện Lệ Thuỷ khảo sát chọn địa điểm không phù hợp.

Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình sớm kiểm tra, chỉ đạo có hướng khắc phục để người dân ở khu tái định cư sớm có cuộc sống an cư

Theo Dương Sông Lam (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.