Với nhiều lí do khác nhau, hơn 200 hộ dân có hộ khẩu ở Hải Bình, Thai Dương, Tân Mỹ và một số ít của xã Hải Dương, Phú Thanh đã tụ tập về thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế để dựng nên một khu dân cư "xóm liều”. Nhà nào thích thì lên bờ làm nhà tạm để ở. Người không ưa chen chúc thì tìm xuống...nghĩa địa. Ngày qua ngày, những công dân "xóm liều” vẫn gắng gượng chống chọi với hiểm nguy và nuôi hy vọng được chính quyền cấp cho một mảnh đất tái định cư.
Một góc " xóm liều” ở thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An
Sống trên miệng bão
Những ngày hè tháng 7, chúng tôi có dịp trở lại thăm bà con ở khu vực Đuồi nằm ở thôn Hải Thành, cạnh cửa biển Thuận An. Nơi đây trong cơn lũ lịch sử năm 1999 đã cuốn trôi tất cả nhà cửa bà con làng chài và trở thành một cửa biển mới cạnh phá Tam Giang.
Khi chúng tôi đang loay hoay dắt chiếc xe máy ra khỏi "trận địa” cát thì được một người đàn ông tên là Đoàn Văn Tâm dẫn vào nhà mời uống nước. Sau cuộc trà nước làm quen, ông Tâm nhớ lại, sau cơn "đại hồng thủy”, nhiều bà con ngư dân phải rời bỏ nơi này vì cho rằng, đây là "miệng bão” nhưng tôi vẫn quyết ở lại. "Ở trên đê biết là rất nguy hiểm nhưng được cái gần biển, gần phá thuận lợi cho việc nuôi cá, nuôi tôm. Hễ cứ đến mùa bão là phải chạy vào trong làng”, ông Tâm chia sẻ.
Tại khu vực xóm Đuồi và xóm Đá hiện có trên 100 hộ dân sống trong những căn nhà tạm bợ. Năm nào cũng gồng mình chống chọi với gió bão và triều cường dâng cao nhưng bà con vẫn quyết tâm bám biển. Người ít tiền thì đi làm thuê cho các chủ thuyền cá, người không thích nghề biển thì giăng lưới, nò sáo để nuôi cá tôm. Và rất nhiều gia đình dù đã ra đây sinh sống gần 20 năm nhưng vẫn chưa được cấp đất tái định cư như hộ ông Nguyễn Văn Bi, Ngô Toàn, Trần Tuyến…một số hộ còn có cả nhà cửa, hộ khẩu ở trung tâm thị trấn nhưng vẫn thích sống "chui” như gia đình ông Trần Danh, Lê Dìu. Ông Trần Danh cho biết: " Gia đình tôi cùng bà con ở xóm Đá biết làm nhà trên đê là sai phạm nhưng cũng không còn cách nào khác. Sinh sống ngay trên miệng bão biết là nguy hiểm nhưng nếu không ở lại đây thì chẳng biết làm nghề gì. Thôi thì ở liều cái đã, tới lúc nào hay lúc đó”.
Tranh đất với...người chết
Khác với các khu dân cư ở xóm Đuồi, xóm Đá. Khu nghĩa địa nằm ngay trung tâm thị trấn Thuận An (đoạn trước mặt siêu thị Thuận Thành) 10 năm trở lại đây xuất hiện trình trạng người dân tự ý vào nghĩa địa xây nhà để ở, bất chấp lệnh cấm của UBND thị trấn. Năm 2009, trên khu nghĩa địa Hải Thành mới chỉ có gần 20 hộ nhưng tới đầu năm 2010 con số đó đã tăng lên 30 hộ.
Trước thông tin khu vực nghĩa địa ở thôn Hải Thành trong thời gian tới sẽ được giải tỏa để tỉnh bàn giao cho một doanh nghiệp nước ngoài xây dựng khu dân cư cao cấp, nhiều gia đình cùng bà con, anh em tại các xã lân cận thị trấn Thuận An như Phú Thuận, Phú Hải, Hải Dương và một số người đã được thị trấn cấp đất tái định cư ở khu vực Bàu Sen (thị trấn Thuận An) vẫn kéo ra đây xây nhà để chờ... đền bù.
Anh Nguyễn Văn Nên, một hộ dân sống trên khu nghĩa địa Hải Thành cho biết: "Tôi lên đây đã hơn 10 năm rồi. Sau khi cưới vợ, vì nhà nghèo không có tiền mua đất làm nhà, thấy khu nghĩa địa còn có bãi đất trống nên cực chẳng đã phải lên đây dựng tạm cái nhà để sinh sống”.
Hiện tại toàn thôn Hải Thành có 41 hộ dân đang sống "chui” trên mồ mả. Họ đều là những cặp vợ chồng trẻ, vì không có tiền mua nhà nên phải lên khu nghĩa địa làm nhà. Được biết, chính quyền địa phương đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh cáo nhưng không hiệu quả.
Lý giải việc hàng trăm người dân tự ý làm nhà ở vùng cảnh báo nguy hiểm và chen lấn đất ở nghĩa trang để xây dựng nhà cửa, ông Nguyễn Xuân Hải, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An cho biết, hiện nay do thị trấn không được quyền cấp đất tái định cư, do đó chúng tôi chỉ ưu tiên bố trí tái định cư cho một số hộ thuộc diện "đặc biệt nguy hiểm” sát mép bờ biển, ở khu vực xóm Đá, xóm Đuồi. "Trong năm 2011, thị trấn đã bố trí được 50 hộ tại khu vực Bàu Sen còn lại gần 100 hộ ở hai khu vực nói trên, khi mùa mưa bão về buộc phải thực hiện phương án sống chung với lũ. Riêng các hộ dân tự ý làm nhà trên đất nghĩa địa do đây là những hộ nghèo, chúng tôi đang vận động họ tháo dỡ. Sắp tới UBND thị trấn sẽ tạo điều kiện cho các hộ này mua đất với giá ưu đãi”, ông Hải khẳng định.
Theo Đại đoàn kết
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.