Ngày 25-11, thảo luận về dự án Luật Xây dựng sửa đổi, đại biểu (ĐB) Thân Đức Nam (Đà Nẵng) cho rằng quy định đối với công trình tạm khi hết thời hạn trong giấy phép chủ nhà phải tháo gỡ, nếu không sẽ bị cưỡng chế là không công bằng cho người dân trong khu bị quy hoạch. “Có rất nhiều trường hợp Nhà nước thực hiện quy hoạch không đúng thời hạn. Do đó, việc dự luật tiếp tục trói quyền lợi của người dân trong vùng quy hoạch là vô lý” - ông Nam nói.
Ông Nam đề nghị sửa lại theo hướng: “Chủ đầu tư cần cam kết tháo dỡ không bồi thường công trình khi Nhà nước thu hồi đất hoặc thực hiện quy hoạch trước thời hạn quy định cấp giấy phép xây dựng tạm. Nếu sau thời hạn quy định trong giấy phép xây dựng tạm mà Nhà nước mới thực hiện quy hoạch thì bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành”. Quy định như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.
Theo ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM),việc quy định về điều kiện cấp phép xây dựng tạm trong khu quy hoạch gần như bất khả thi đối với người dân. Ảnh: HTD
Cùng chung quan điểm, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) bày tỏ sự thất vọng trước quy định về điều kiện cấp phép xây dựng tạm, trong đó phải phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt. “Quy định trên gần như bất khả thi đối với người dân khi có nhu cầu xây dựng tạm” - ông Sang nói. Ông Sang phân tích: Khi quy hoạch chưa triển khai thì dựa vào quy hoạch xây dựng nào để cấp phép cho đúng quy hoạch? Hơn nữa, nếu quy mô đồ án quy hoạch xây dựng càng lớn thì thời gian thực hiện càng dài. Vậy thì cấp phép xây dựng tạm gắn với thời gian thực hiện quy hoạch xây dựng liệu có hợp lý? Từ phân tích trên, ông Sang đề nghị ban soạn thảo cần có những điều, khoản cụ thể để việc cấp phép xây dựng tạm mang tính khả thi hơn cho người dân.
Một quy định khác cũng được các ĐB cho là không hợp lý, cần phải bỏ ra khỏi dự thảo là các quy định về quy hoạch xây dựng. Theo ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), hiện nay cứ nói đến quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội là gắn với Bộ KH&ĐT, quy hoạch sử dụng đất gắn với Bộ TN&MT, quy hoạch xây dựng đô thị gắn với Bộ Xây dựng, quy hoạch ngành gắn với các bộ, ngành khác… “Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ trên ngồi lại để giải quyết những vướng mắc. Nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả, vẫn cứ việc ai người ấy làm, quyền ai người ấy thực hiện nên khập khiễng, không thể phát triển bền vững. Đó là lý do mà tôi yêu cầu Luật Xây dựng kỳ này chuyển phần quy hoạch sang Luật Quy hoạch hoặc Luật Quy hoạch đô thị đang chỉnh sửa” - ĐB Phương đề nghị.
Sẽ xóa hàng ngàn ban quản lý yếu kém Hiện nước ta có hàng ngàn ban quản lý xây dựng (BQL), khi xây dựng xong công trình BQL cũng giải thể. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến trách nhiệm của các BQL không cao, cũng là một trong các nguyên nhân gây thất thoát. Có tình trạng trên vì theo luật hiện hành, ai sử dụng công trình thì người đó là chủ đầu tư và chủ đầu tư có quyền thành lập BQL công trình. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp với các công trình từ vốn ngoài ngân sách, tiền của họ, ai làm chủ đầu tư là chuyện của họ. Còn với công trình bằng vốn Nhà nước thì không phù hợp, phải khắc phục tình trạng này. Thay vì hàng ngàn chủ đầu tư, BQL mà quá ít người có đủ năng lực quản lý đầu tư, kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng, chất lượng của mỗi BQL thấp, Luật Xây dựng sửa đổi yêu cầu thành lập các BQL khu vực, BQL chuyên ngành. Chẳng hạn, mỗi tỉnh chỉ cần có BQL chuyên ngành về dân dụng (gồm y tế, giáo dục và các công trình công cộng…), BQL công trình về giao thông, BQL công trình về nông nghiệp, nông thôn (thủy lợi, mương máng…). Như vậy, có ít BQL nhưng các BQL sẽ tồn tại lâu dài, được củng cố tăng chất lượng, năng lực. Các BQL cũng phải có trách nhiệm đến cùng với chất lượng công trình không chỉ trong quá trình xây dựng, mà cả khi đưa vào khai thác sử dụng sau này. Bộ trưởng Bộ Xây dựng TRỊNH ĐÌNH DŨNG (trả lời báo chí bên hành lang QH ngày 25-11) BÌNH MINH ghi |