Thị trường bất động sản (BĐS) là lĩnh vực xương sống, đầu tàu của nền kinh tế, nên thị trường BĐS khó khăn cũng khiến cả nền kinh tế khó khăn theo.

Vì vậy, để gỡ khó cho thị trường, nhiều chính sách, cơ chế mới sẽ được thực hiện trong thời gian tới. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng tại cuộc đối thoại với DN trong lĩnh vực BĐS tại Hà Nội chiều 25/10.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, thị trường BĐS thời gian qua tồn tại ba vấn đề lớn. Đó là thị trường phát triển nóng nhờ yếu tố đầu cơ, các sản phẩm không phù hợp với đại đa số người tiêu dùng và khả năng thanh toán người dân giảm sút do nền kinh tế suy thoái. Vì vậy, khi van tín dụng khép lại, những yếu kém của thị trường đã bộc phát.

Trong khi đó, trong một thời gian dài, các chủ đầu tư BĐS quá tập trung vào các dự án trung và cao cấp, nhưng đại bộ phận người dân lại chỉ tiếp cận được các sản phẩm khiêm tốn, quy mô nhỏ, giá rẻ. Vì thế, các sản phẩm làm ra gặp khó trong việc bán hàng. Ngoài ra, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện, chủ đầu tư chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng và huy động người dân là chính. Khi thị trường gặp khó, các chủ đầu tư không thể tiếp tục thực hiện dự án.

Để gỡ khó cho thị trường BĐS, ông Dũng cho biết, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ có nhiều giải pháp, cũng như kiến nghị lên Chính phủ tháo gỡ các nút thắt, đặc biệt là nút thắt hàng tồn kho.

Chẳng hạn, sẽ có quy định những dự án chưa giải phóng mặt bằng mà không quá bức thiết, sắp tới sẽ phải dừng lại, những dự án đã giải phóng mặt bằng nhưng chưa san nền cũng phải dừng lại để giảm bớt nguồn cung ra thị trường. Những dự án này Nhà nước không thu hồi đất mà sẽ khuyến khích DN đầu tư sang lĩnh vực khác, như nông nghiệp chẳng hạn. Trong khi đó, với các dự án đã có hạ tầng, Nhà nước sẽ cho phép điều chỉnh dự án để tăng mật độ nhà ở xã hội; hoặc điều chỉnh các dự án thương mại sang dự án nhà ở xã hội. Đối với các dự án đã hoàn thiện, có căn hộ nhưng DN không bán được, Nhà nước sẽ xem xét cho phép điều chỉnh chia nhỏ căn hộ. Ngoài ra, để giảm giá BĐS, Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị miễn toàn bộ thuế VAT để DN có điều kiện giảm giá bán.

Ngoài các kiến nghị của Bộ Xây dựng, để giải quyết khó khăn của DN và thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, các DN cũng cần cơ cấu lại sản phẩm và tiếp tục giảm mạnh

giá bán.

Trao đổi về những kiến nghị và giải pháp Bộ Xây dựng đưa ra nhằm gỡ khó cho thị trường BĐS, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, một số kiến nghị của Bộ Xây dựng gặp khó khăn vì cơ chế chính sách hiện không cho phép.

Chẳng hạn, việc chia nhỏ căn hộ sẽ làm tăng mật độ dân số, gây áp lực lên hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đã quy hoạch trước đó. Ngoài ra, việc tạm dừng dự án để chuyển sang mục đích nông nghiệp là DN đã sử dụng sai mục đích, nên thanh tra chắc chắn sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, việc chuyển dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội thì có thể thực hiện được ngay.

Để giải quyết khó khăn của thị trường và giải quyết lượng hàng tồn, ông Hải cho biết, sắp tới Sở Quy hoạch kiến trúc sẽ phối hợp với Sở Xây dựng để rà soát các dự án thuộc vành đai 2 và vành đai 3, từ đó sẽ đưa ra kiến nghị hoàn thiện hạ tầng xã hội và kỹ thuật tại các dự án nằm trong các vành đai này. Một khi đã hoàn thiện cơ sở hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật thì BĐS tại các khu vực đó chắc chắn sẽ bán được.

Ngoài ra, để giải quyết lượng hàng tồn, ông Hải cho biết, Sở sẽ tạm đình chỉ các dự án mới hoặc các dự án đang chờ phê duyệt, nhằm giảm lượng cung hàng ra thị trường. Trong khi đó, ông Hải cũng kiến nghị các ngân hàng chỉ nên bơm vốm cho các dự án đang hoàn thiện và kiên quyết nói không với các dự án mới triển khai hoặc mới làm xong móng.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, việc giải quyết khó khăn cho thị trường BĐS chắc chắn sẽ rất phức tạp và các bộ, ngành phải xắn tay để cùng giải quyết. Trong đó, khó khăn mấu chốt của thị trường chính là lượng hàng tồn. Tuy nhiên, nếu các biện pháp hỗ trợ có hiệu quả, giải quyết được khoảng 100.000 tỷ đồng hàng tồn thì thị trường BĐS sẽ có thể hồi phục.

Theo Nguyên Minh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.