06/11/2012 7:40 AM
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đang khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh dự án từ nhà ở thương mại sang xây nhà ở xã hội, đồng thời cho phép chia nhỏ căn hộ để bán.

Bộ Xây dựng đang khuyến khích các doanh nghiệp điều chỉnh dự án từ nhà ở thương mại sang xây nhà ở xã hội, đồng thời cho phép chia nhỏ căn hộ để bán - Ảnh minh họa.

Nhiềuý kiến nhận định, giải pháp của Bộ Xây dựng tốt cho một số doanh nghiệp đang khó khăn nhưng không thể là giải pháp lâu dài cho thị trường bất động sản.

Giải pháp trước mắt không thể bỏ lâu dài

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Reenco Sông Hồng, khi chia các căn hộ lớn thành các căn nhỏ 25-30 m2, dân số sẽ tăng lên, gây áp lực lên hạ tầng.

Ông phân tích, về lâu dài, những nhà diện tích nhỏ, giá rẻ nên làm nhà ở cho thuê thì tốt hơn để bán. Xây căn hộ giá rẻ, diện tích nhỏ, chất lượng thường kém. Cuộc sống người dân sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến người tiêu dùng quay lưng lại với nhà ở giá rẻ. Lúc đó, những khu nhà này sẽ bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn. Hậu quả sẽ rất tai hại và rất khó giải quyết.

Với những giải pháp của Bộ Xây dựng cần có tiêu chí về giá cả, chất lượng để quản lý tốt. Muốn vậy phải chuyển thành mô hình nhà ở cho thuê (doanh nghiệp được Nhà nước tạo điều kiện về đất đai, hạ tầng, cho vay lãi suất thấp) để “trói” trách nhiệm của doanh nghiệp. Khi bán ra thị trường, chủ đầu tư hết trách nhiệm thì rất khó quản lý, nan giải cho các nhà quản lý đô thị.

Ông Điệp cho rằng, không nên xây dựng cả một khu nhà ở xã hội riêng mà có thể đan xen vào các khu nhà ở thương mại. Từ đó giúp giảm chi phí đi lại, đồng thời có thể tạo công ăn việc làm cho người nghèo ngay tại đó. Việc khuyến khích chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang xây nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ dù là giải pháp trước mắt nhưng cần tỉnh táo, không tập trung phát triển quá nhiều cũng không nên tập trung nhiều trong một dự án để tránh nan giải cho tương lai.

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội cũng cho rằng, riêng Hà Nội có trên 800 dự án khu đô thị mới, trong đó hơn 200 được tiếp tục triển khai, còn lại phải điều chỉnh. Nếu chuyển đổi mục đích đầu tư xây dựng dự án thì cần tập trung điều chỉnh những dự án này và cũng chỉ điều chỉnh những dự án có khả năng tạo cuộc sống tốt cho người dân.

Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm xây dựng hạ tầng, phải xem xét đến đồng bộ quy hoạch các chuyên ngành khác nếu không sẽ tác động rất lớn và phá vỡ quy hoạch đô thị. Việc chia nhỏ căn hộ cũng cần phải cân nhắc hết sức cụ thể ở một số khu vực nhất định nếu không sẽ gây nhiều bất cập cho công tác quản lý dân số, quản lý đô thị. Hiện Hà Nội và Tp.HCM tồn đọng khoảng 70.000 căn hộ, chủ yếu căn hộ cao cấp, có diện tích lớn hơn 100 m2.

Theo chỉ tiêu xây dựng thì số căn hộ này có khả năng dung nạp khoảng 20-25 vạn người. Nếu đồng loạt được chia nhỏ, sẽ đẩy dân số ở các khu này lên 60-80 vạn người nữa. Khi chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và chia nhỏ căn hộ cần xem toàn bộ khu đô thị có diện tích hạ tầng, diện tích đầu mối giao thông hợp lý, đảm bảo cho việc tăng dân số không. Quan trọng nữa là trong trường hợp cho phép tăng căn hộ của một dự án, cần quản lý dân số xem ai được ở căn hộ nhỏ.

Nhiều nước cũng cho phép xây dựng các căn hộ nhỏ nhưng những người sống ở đó phần lớn là người độc thân. Nếu triển khai đại trà sẽ phải đi sau giải quyết hậu quả rất lớn như các khu tập thể cũ.

Quan trọng là phải đảm bảo hạ tầng

Mới đây, Bộ Xây dựng đã cùng các tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo đô thị trong tương lai, trong đó đưa mục tiêu phát triển xanh, đô thị sinh thái và tiêu chí về không gian công cộng, không gian xanh được đặt ra rất cao.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển bền vững của Việt Nam giai đoạn 2011-2020, trong đó cũng khẳng định mục tiêu phát triển nhà ở. Do đó, chúng ta không nên vì định hướng trước mắt mà đẩy lùi mục tiêu lâu dài.

Tuy nhiên, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khẳng định, ở các nước khác, nhân lúc thị trường suy thoái, chính quyền có thời gian đánh giá lại sự phát triển cùng những bất cập của thị trường bất động sản và có biện pháp điều chỉnh.

Trong thời điểm này, Bộ Xây dựng đưa ra giải pháp khuyến khích chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội và cho phép chia nhỏ căn hộ là hợp lý. Qua đó, tạo điều kiện cho thị trường sản xuất hàng hóa giá rẻ. Đồng thời tạo điều kiện cho những người có nhu cầu về nhà ở nhưng không đủ khả năng thanh toán có khả năng mua nhà ở.

Thực tế, đối tượng mua nhà ở loại này thường là người có thu nhập trung bình. Khi họ mua nhà và chuyển đến chỗ ở mới, nhà cũ có thể bán cho người có thu nhập thấp. Như vậy, việc phát triển nhà ở xã hội không chỉ giúp cho tầng lớp trung lưu cải thiện chỗ ở mà còn giúp cả đối tượng thu nhập thấp có chỗ an cư.

“Tôi không cho rằng việc chia nhỏ căn sẽ chất tải lên hạ tầng vì điều này không được quyết định bởi căn hộ lớn hay nhỏ, mà căn cứ vào diện tích sàn trên đầu người. Vấn đề là phải quản lý thế nào để những khu này không trở thành khu ổ chuột trong tương lai. Không chỉ khu nhà ở xã hội mà ngay cả khu nhà ở thương mại dù mật độ dân số thưa nhưng hạ tầng không tốt thì cuộc sống của người dân vẫn khó khăn. Còn nhà ở xã hội mà được quản lý chặt chẽ về môi trường sống, về hộ khẩu thì ở đó chất lượng sống của cư dân vẫn tốt. Do đó, bất kỳ là khu nhà ở nào, có hạ tầng đầy đủ là rất quan trọng. Ví như mật độ dân số tại Hồng Kông rất lớn nhưng hạ tầng của họ tốt thì chất lượng sống của người dân vẫn cao”, ông Liêm nhấn mạnh.

  • Chia nhỏ căn hộ: Chỉ là giải pháp tình thế?

    Chia nhỏ căn hộ: Chỉ là giải pháp tình thế?

    Chủ trương chia nhỏ các căn hộ diện tích lớn trong 4 giải pháp giải cứu thị trường bất động sản của Bộ trưởng bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đang tạo ra những tranh luận sôi nổi.

  • Nút thắt bất động sản ở đâu?

    Nút thắt bất động sản ở đâu?

    Giá nhà quá cao so với khả năng thanh toán của người dân; đầu tư ồ ạt nhưng không tính đến sức "tiêu hóa" của thị trường đang được xem là những nút thắt lớn của thị trường bất động sản. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản không chỉ giúp giải cứu ngành vật liệu xây dựng, góp phần giải quyết nợ xấu ngân hàng.

  • Chia nhỏ căn hộ: Cần tính toán kỹ

    Chia nhỏ căn hộ: Cần tính toán kỹ

    Để giải thoát lượng hàng tồn kho quá lớn, có ý kiến đề nghị cho phép doanh nghiệp chia nhỏ căn hộ diện tích lớn để dễ bán hơn. Tuy nhiên, giải pháp này lại vấp phải sự phản đối của các cơ quan quản lý địa phương bởi sẽ phá vỡ quy hoạch đã được duyệt.

Theo Khánh Dương (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.